Jun 29, 2018

PLATO VÀ CON THÚ MỎ VỊT (Trích đoạn)

Hà Nội, ngày 28/6/2014 


Thực ra, khi nói về Triết học thì chúng ta thường thấy nó rất cao siêu, siêu hình, siêu đủ các loại siêu dẫn tới người đọc thấy liêu xiêu!
Thực ra thì rằng là mà toàn lấy cái siêu để giải thích cái siêu nên người đọc không hiểu là phải.
Mình thấy, khi đọc cuốn này, cứ 1 cái siêu thì sẽ được trích dẫn một truyện cười, giải thích Triết học qua Truyện cười thấy Triết học đỡ siêu hơn hẳn! Mà đặc biệt là truyện cười bậy bạ.
Lấy 1 ví dụ nhá! Nói về Phép Nguỵ biện.
Một quý ông Do Thái lớn tuổi cưới 1 cô vợ trẻ, và họ yêu nhau thắm thiết. Tuy nhiên, dù đức ông chồng nỗ lực cách mấy trên giường, chị vợ cũng không bao giờ đạt cực khoái. Vì một người vợ Do Thái có quyền hưởng khoái cảm tình dục, nên họ quyết định đến hỏi giáo sĩ. Nghe đôi vợ chồng trình bày xong, ông giáo sĩ vuốt râu, và đưa ra lời gợi ý sau đây:
"Hãy thuê một thanh niên to khoẻ. Khi hai người làm tình, thì nhờ anh ta vẫy vẫy chiếc khăn tay ở phía trên. Việc đó sẽ giúp cho người vợ trở nên mơ màng và hẳn sẽ đem lại cực khoái."
Đôi vợ chồng đi về nhà và làm theo lời khuyên của giáo sĩ. Họ thuê một anh chàng đẹp mã đứng vẫy chiếc khăn khi họ làm tình. Vô ích, chị vợ vẫn không thoả mãn.
Bối rối, họ lại tìm tới ông giáo sĩ. "Thôi được", giáo sĩ nói với đức ông chồng, "hãy thử làm ngược lại. Để người thanh niên làm tình với vợ ông, còn ông thì vẫy khăn phía trên họ". Một lần nữa, hai vợ chồng lại làm theo lời khuyên của giáo sĩ.
Anh chàng đẹp trai lên giường với chị vợ, còn ông chồng đứng vẫy khăn. Chàng trai vào việc hết sức khí thế, chẳng mấy chốc chị vợ đã cực khoái, la hét rung chuyển cả căn buồng.
Người chồng mỉm cười nhìn chàng trai, đắc thắng nói: "Thằng đần ạ, phải biết vẫy khăn như thế chứ!"
-----------------------------------
Đấy! Nguỵ biện thế mới là nguỵ biện chứ! Nhưng nói chung cuốn này khá là khó đọc! Vì nó vẫn là cuốn sách về Triết học các bạn ợ! 

Tuyển tập Paulo Coelho

Hôm qua có đọc bản online về Tuyển tập Paulo Coelho - Tác giả cuốn Nhà Giả Kim. Mình đã thực sự không ngạc nhiên khi nghe tự sự của ông về cuộc đời. Thật sự, người ta cần trải nghiệm nhiều thứ như vậy để có thể thăng hoa và viết lên "Những tiếng nói vũ trụ".
Đọc thêm một vài truyện ngắn bên dưới, có một truyện khiến mình đọc rất say sưa và cũng gây cho mình không ít hứng thú, cảm giác như một chân trời mới hiển hiện, những thông tin về một thế giới mới, một thế giới của những cô gái điếm, nhưng thực sự là một gái điếm chân chính. Cô ta cũng giống như bao phụ nữ khác, dù đẹp dù xấu, họ đều có mong ước một cuộc sống giàu có, lãng mạn bên một người đàn ông đủ sức bao bọc họ, khiến cho cuộc sống của họ được như họ mơ ước. Anh ta phải giàu có, thông minh và khỏe mạnh! ))
Chi tiết gây xao động nhất đối với mình, đó là khi cô gái điếm ấy gặp gỡ tình cờ một anh họa sỹ. Kể từ đó, sự tình bắt đầu đi theo mô típ chung của tác giả, là cuộc gặp gỡ định mệnh, cuộc gặp gỡ đem lại tự do tinh thần, đem lại cảm xúc thiêng liêng, đó là tình yêu!
Cô ấy, hẳn là người phụ nữ lý trí, yêu và thích dựa trên các thông tin thu lượm được một cách trực quan. Việc đầu tiên là biết chắc anh ta giàu có, việc thứ hai là biết chắc anh ta thông minh. Việc thứ ba là biết chắc anh ta đang tự do; Và cơ hội để lợi dụng anh ta đưa cô nàng lên bục danh dự, dựa trên bức chân dung anh vẽ cô, vẽ bằng một thứ ánh sáng riêng chỉ mình cô có, thứ ánh sáng anh ta thật sự cần cho những tác phẩm của mình.
Và hẳn là, anh ta cũng thật tinh tế. Anh nhìn ra thứ ánh sáng của một người tự do, một thứ ánh sáng mạnh mẽ và tinh khiết. Kỳ lạ thay, thứ ánh sáng ấy lại tỏa ra từ một cô gái điếm. Anh biết rất rõ nghề nghiệp của cô, biết rất rõ những cuốn sách cô đang cầm trên tay chỉ là một thứ vỏ bọc giả tạo, đối với anh ta, cái thứ mà cô đang làm và sẽ làm - Nông trang và Tình dục, thực sự là nhàm chán! Đối với cô, đó là sự ngạc nhiên, nó vượt qua tầm hiểu biết của cô về đàn ông, đặc biệt là người đàn ông 29 tuổi thành đạt. Sự thẳng thẳn của anh đã thực sự lôi cuốn cô, sai khiến cô hành động theo cách mà trước đây cô không thường làm.
Phụ nữ, nói một cách thông thường, dù thông minh thế nào, tỉnh táo và lý trí thế nào rồi cũng có lúc rơi vào cạm bẫy do chính mình luôn chăng sẵn, chăng sẵn ra để tránh, cuối cùng vẫn vấp vào đó thôi.
Con đường đến Santiago là con đường nào? là con đường hành hương, vài nghìn năm nay nó vẫn hiển hiện ở đây, vậy mà cô đâu có biết, thế rồi cô tò mò và hỏi, chỉ vì cần có câu trả lời cho một thứ vốn dĩ cũ rích và không có nhiều tác dụng cho cuộc sống của mình mà cô vẫn lao vào, bỏ qua các quy tắc do chính mình đặt ra để tìm câu trả lời. Và vì con đường đó, họ đã đi dạo, đã trò chuyện, đã phải lòng...
Anh ta nghĩ đến cô ta, không phải nghĩ đến một con điếm.
Anh ta nghĩ đến cô ta, là một phụ nữ, một phụ nữ có thứ ánh sáng đặc biệt.
Cô ta nghĩ đến anh ta, nghĩ đến như một người yêu.
Cô ta nghĩ đến anh ta, nghĩ đến như một chân trời mới, chân trời tự do nơi có tình yêu chắp cánh.
Paulo Coelho là như vậy đấy, mỗi cuốn sách của ông, mỗi câu chuyện của ông đều là những lọ thủy tinh chứa đầy những giấc mơ huyền bí, ảo diệu. Nơi câu chữ của ông hiển hiện một thứ ánh sáng trong suốt, trong veo đến độ ta dường như chợt quên đi hiện tại, hòa vào những giấc mơ cùng nhân vật, thông qua nhân vật để tự nghĩ đến mình, đến đời và đến cả vũ trụ quanh ta.
Tôi muốn gọi ông là bác sỹ, hay người kể chuyện nghìn lẻ một đêm cũng được, bởi mỗi câu chuyện của ông, là một cốc nước tinh khiết bồi dưỡng tâm hồn tôi, thắp lửa cho những mạch nguồn để tôi tự tìm thấy chính mình.
Cảm ơn Coelho! 

NHỮNG CÂY CẦU Ở QUẬN MADISON By Robert James Waller


Trước tiên là cám ơn một người chị đã tặng cuốn này cho Chuông Gió. Dù đã có từ lâu, nhưng đúng đến giờ mới đọc cuốn này.
Thứ hai, là, dĩ nhiên, để dành tặng cho những người muốn cảm nhận về một dạng tình yêu "tâm linh tương thông".
Những cây cầu ở quận Medison: một thứ cảm xúc sóng sánh như rượu vang đỏ, thơm thơm, ngòn ngọt và xa xa, hơi mơ màng. Ở miền nông thôn nước Mỹ ấy, chị đã sống trầm lặng, bình yên bên người chồng trách nhiệm. Rồi bỗng có một ngày, bỗng dưng xuất hiện một thứ ánh sáng mới, ánh sáng trong những thước phim của anh thợ "làm ảnh" đến từ thành phố. Mô típ truyện sẽ gây bất ngờ một chút đối với những độc giả ưa truyện ngôn tình. Anh và chị gặp nhau, lôi cuốn bởi nhau, tự nhiên như các luồng sáng đan xen với nhau, chẳng phân biệt được đâu là ranh giới của hai thứ ánh sáng ấy. Đôi bên cùng cố tránh đi, nhưng đều bị thôi thúc bởi tiếng nói bên trong, những điều họ làm cho nhau, đều im lặng và tự nguyện. Vẻn vẹn bốn ngày, từ việc để ý hình thức bên ngoài, tới khám phá nghề nghiệp, sau đó là len được đến nội tâm sâu sắc. Hai người đã đến với nhau và không mong chờ, và cũng thực sự không vì thứ tình cảm sắc son đó mà rời bỏ hiện tại. Sau 5 ngày, anh đi đường anh, chị ở lại với nông trại. Sống cho tới khi người chồng qua đời. Lần đầu tiên chị cố gắng liên lạc với anh, và không có hồi âm.
Kỷ niệm của anh và chị, giữ nó ở trong lòng. Chỉ hai người cảm nhận cùng nhau, tưởng nhớ đến nhau, không phô trương, không trồi sụt. Cứ duy trì thế, không có người thứ 3 chen vào. Câu chữ của Robert James Waller bình dị lắm, xúc cảm lắm. E là càng cố dùng ngôn ngữ của chính mình để mô tả, Chuông Gió sẽ giống như người áp đặt cho câu chuyện về những cây cầu, mà thực ra là chuyện của Robert Kincaid và Francesca, các cây cầu chỉ là lý do tạo khởi lên mối tình của họ. Đôi khi nghĩ cũng thật lạ, có những mối nhân duyên kỳ bí, được dẫn dắt bởi hàng vạn lý do, và người ta thường không nhớ lý do, người ta chỉ nhớ kết quả của lý do đó mà thôi. Robert nói: hoá ra trước giờ anh sống như thế, làm việc như thế, ăn những thứ như thế, gặp những người như thế, chỉ là, để giờ này anh được gặp Francesca. Còn chị, từ nước Ý, từ một bang xa lắc nào đó của nước Mỹ, chị đã theo chồng đến Medison, chỉ là chờ anh ấy. Nhờ có anh ấy, chị cũng đã can đảm sống hết đời còn lại ở quận Medison, nếu không, với bản năng, với đam mê và sức sống của mình, chắc gì chị đã ở lại nơi đây.
Sống và tìm được lý do sống, chẳng phải là ước mơ của mỗi chúng ta sao!
Đọc xong cuốn này mới nhớ tối qua không chat với bạn Hà 

Apr 10, 2016

SIDDHARTHA (Tiểu thuyết của Hermann Hesse, nobel văn chương 1946)

Siddhartha là tên của một chàng trai trẻ, sinh ra và lớn lên với đầy đủ phẩm chất của một người đàn ông tuấn tú, thông minh, học thức và giàu có. Nhưng lý tưởng sống lại khác với những mong ước mà người cha và những người Bà la môn khác đang làm. Cậu quyết định cùng người bạn của mình là Govinda bước ra khỏi cuộc sống của giai cấp Ba la môn giàu có, đi tầm sư học đạo những người thầy nổi tiếng khắp nơi, hòng mong muốn đạt được giác ngộ trong đời, hiện thực hoá lý tưởng sống của mình. 

Cậu ấy đã đi qua nhiều miền, học qua nhiều thầy, nhưng trong sâu thẳm, cậu vẫn chưa nhận được những gì cậu mong muốn. Sau trạng thái thiền định sâu, cậu lại quay trở lại nhận thức của người thường, cũng trầm mình trong các nỗi khổ của nhân gian như bao người khác. Như vậy, thiền định vẫn không giúp cậu hạnh phúc, không giúp cậu bình an. Và cậu tiếp tục tìm kiếm. 

Cho đến một ngày, cậu đã nghe đến giáo pháp của Gautama. Cũng như hàng nghìn người cầu đạo khác, tìm đến với Phật. Nghe Phật thuyết pháp. Cậu nhìn thấy, cảm thấy được sự bình an, sự hạnh phúc và tịnh tâm của Phật, nhưng cậu vẫn thấy một khoảng trống, một sự chưa triệt để, cái đó quá vi diệu, đến mức cậu muốn gặp Phật để nói rõ. Cuộc trao đổi của cậu với Phật đã diễn ra, cậu cảm thấy - dĩ nhiên, là cậu thật thông minh và hiểu biết. Nhưng Phật nói, chính cái thông minh đó, sự quá khôn ngoan đó, lại là cái cậu cần phải tránh xa: "Nhưng khuyên anh, hỡi kẻ khát khao hiểu biết, hãy tránh xa rừng quan niệm và sự tranh cãi về từ ngữ. Quan niệm chẳng có nghĩa lý gì, chúng có thể đẹp hay xấu, khôn hay dại, ai cũng có thể theo hay gạt bỏ. Nhưng giáo lý của ta, mà anh đã nghe không phải là quan niệm và mục đích của nó không phải là giải thích thế giới cho kẻ khát khao hiểu biết. Mục đích của nó khác hẳn, mục đích của nó là giải thoát khỏi khổ đau. Đó chính là điều Cồ Đàm này dạy, chứ không phải là gì khác". 

Cậu đi, với quyết tâm tự giác ngộ, tự mình thoát ra khỏi đại ngã của mình, đại ngã mà cậu tin rằng nó nằm lẩn khuất đâu đó trong giáo pháp, trong tăng đoàn và có thể là trong chính sự bình an, tĩnh lặng mà thông qua Cồ Đàm những người khác có thể lĩnh nhận được. Siddhartha tin rằng, chỉ có thể tự mình mới có thể tự giác bản thân. Và cậu rời đi, tự đi con đường của mình từ khi đó. 

Trên hành trình, cậu đã qua sông, nơi con sông ấy, cậu gặp người lái đò. Và cậu học được bài học đầu tiên "Rồi mọi thứ sẽ trở lại". Cậu rời con sông, chia tay người lái đò, vào thành phố. 

Ngoài bìa rừng, có khu vườn xoài của nàng Kamala, một kỹ nữ nổi tiếng xinh đẹp. Siddhartha đến bên cổng nhà nàng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nàng với lòng hâm mộ và mong muốn được cùng nàng ta hưởng thụ nghê thuật yêu đương. Nàng - bằng con mắt tinh đời, đã nhìn ra được vẻ đẹp hút hồn ẩn dưới dáng vẻ của một người tu sỹ bẩn thỉu, rách rưới với mái tóc và những móng tay dài cáu bẩn. Nàng hứa gặp cậu và yêu cầu cậu phải trở thành người đàn ông giàu có, nổi tiếng và được tôn trọng. Nghe lời nàng, cậu đã theo sự giới thiệu của Kamala và trở thành người hợp tác thân tín với một nhà buôn bán giàu có bậc nhất thành phố. Nhờ năng lực của mình, Siddhartha đã trở thành người giàu có. Anh thờ ơ với tiền bạc, say đắm yêu đương với Kamala, học hỏi từ nàng nghệ thuật yêu đương luyến ái. Dần dần, anh tham đắm sâu hơn vào những lạc thú trần gian. Cho đến một ngày, anh nhận thấy mình già nua, cáu bẳn và tự ghê tởm mình. Anh bỏ đi, trở lại bên dòng sông năm xưa. 

Ở bên dòng sông ấy, anh muốn kết thúc cuộc đời, nhưng sự thức tỉnh khi đọc chữ Om đã khiến anh bình tĩnh. Anh gặp lại Govinda - người bạn thân thiết đã chia tay anh sau khi nghe Đức Cồ Đàm giảng pháp, người đã nhập vào tăng đoàn của Đức Phật. Cậu ấy giờ đã khác xưa rất nhiều, nhưng vẫn đang trên con đường thức tỉnh đạt giác ngộ. Siddhartha chia tay Govinda, liền sau đó gặp lại người lái đò, anh ở lại chung sống bên người lái đò, với những triết lý về "Lắng nghe dòng sông". Sau đó, Siddhartha gặp lại đứa con và Kamala, người đã mang thai đứa con của cậu, sau khi cậu bỏ đi. Kamala chết do bị rắn độc cắn khi nằm ngủ bên sông. Từ đó Siddhartha sống và nuôi cậu bé, nhưng đứa bé không chấp nhận cậu, nó đã bỏ đi, bỏ lại một Siddhartha với sự đau đớn trong tim. Sự đau khổ đến từ tình yêu. Tình yêu ấy đã đưa Siddhartha đạt đến giác ngộ. Lạ kỳ thay, chẳng phải tình yêu mê đắm với Kamala, chẳng phải tình yêu đối với cha mẹ, mà là tình cha con đã giác ngộ cậu ấy. Siddhartha nếm trải cảm giác lo lắng, bồn chồn, sự hy sinh hết mình cho đứa con mà không hằng mong sự đền đáp. Từ tình yêu đó, anh đã tổn thương, đã trải nghiệm cảm giác đau khổ mà trước giờ anh chưa nếm trải. Cũng từ tình yêu ấy, anh học cách lắng nghe, học cách thấu hiểu từ dòng sông. Lắng nghe tât cả, thấu hiểu tất cả, chấp nhận tất cả để vượt qua chính mình, thấu hiểu chính mình. 

Cả câu chuyện là  một hành trình dài về cuộc đời Siddhartha, ẩn chứa những triết lý sâu xa về cuộc sống, về sự tự suy tư, tự trải nghiệm và tự chứng ngộ. Ở đây, Siddhartha biểu trưng cho sự tin tưởng vào chính bản thân mình, những lựa chọn trong cuộc đời, suy cho cùng cũng chỉ là những bài học cần phải có trong đời. Thông thường, nghiệp lực sẽ dẫn dắt bạn đi trên con đường đời, những gì bạn cần phải học là do trong bản thân bạn còn đang thiếu, nó sẽ tiếp nối những mong muốn của bạn để bạn có thể lĩnh hội đủ, khi đủ rồi, hoa sẽ nở, kết trái và lại đơm bông. Bài học của Siddhartha là bài học tình yêu đối với người con. Chính đứa con là chiếc chìa khoá mở ra kho báu tỉnh thức của cậu. 

Thông qua câu chuyện của Siddhartha, thực sự mới thấy mọi sự trên đời này xuất hiện trước ta, chạm vào ta, tác động lên ta, hẳn đều có lý do của nó. Tiếp nhận và quan sát nó, chấp nhận và coi nó là phương tiện để học tập, để phát triển bản thân, để tỉnh thức, để sống trọn vẹn, chính là sứ mệnh của chúng ta. 

Vậy thì ai đó đang đau khổ ơi!
Ai đó đang hạnh phúc ơi!
Ai đó đang tuyệt vọng ơi!
Ai đó, tất cả ai đó ơi!
Cho dù bạn là ai, bạn đang sống thế nào, đều là duyên phận của bạn, đều là thứ mà bạn đã tạo ra trước đây để giờ bạn tiếp tục học tập và sống trọn vẹn với hiện tại của bạn. Tương lai là thứ đang chưa tới, quá khứ là thứ đã qua đi, chỉ có hiện tại là tất cả. Quá khứ không thể chạm tới được, nhưng tương lai bạn có thể tạo ra, vậy hãy sống trong hiện tại, tận hưởng hiện tại, nhận biết hiện tại, sống tốt cho hiện tại, con đường tương lai sẽ dẫn dắt bạn đến bến bờ hạnh phúc, bình an. Nhưng thứ gì cũng cần có thời gian, cần đủ lượng rồi mới tạo đủ chất, nếu bạn muốn tương lai sống tốt đẹp, thức tỉnh trọn vẹn, thì bây giờ bạn hãy chuẩn bị cho tương lai ấy những gì tốt đẹp nhất. 

Siddhartha cũng vậy, anh tự tin và sẵn sàng rời bỏ giáo điều, rời bỏ quan niệm, đi vào đời sống. Nhưng mạch nguồn cốt lõi của anh vẫn hướng tới lý tưởng giác ngộ, và những gì chảy trong mạch nguồn ấy, đều được nâng đỡ, nuôi dưỡng bởi đời sống, khi anh đã trải nghiệm đủ, là lúc anh giác ngộ hoàn toàn. Anh giác ngộ theo con đường của anh, không câu nệ, chấp niệm vào quan điểm đương thời, nhất định phải theo Phật. Liệu rằng giữa anh và Phật có sự khác nhau nào? có sự giống nhau nào? Chẳng phải anh đã nói: mỗi người có một con đường, đường ai nấy đi, chỉ cần có niềm tin và sự mong muốn giác ngộ, sẵn sàng chấp nhận mọi thứ trên đường đời để đến giác ngộ, đều có thể giác ngộ, mà không chỉ là Phật thôi sao. 

Nhắc đến vai trò của Dòng Sông.
Vai trò của Người Lái đò trên sông.
Đến đứa con.
Đến Đức Cồ Đàm.
Đến người cha.
Đến Kamala.
Đến Govinda.
Đến người lái buôn.


Tất cả họ đều là chất liệu để tạo nên con người thức tỉnh của Siddhartha, về vai trò đều giống nhau, không thể phân biệt ai hơn ai kém trong việc đóng góp vào sự thức tỉnh của Siddhartha, nhưng mà, chỉ là họ đến tuần tự theo thời gian, theo thứ tự rất cụ thể để khiến cho Siddhartha thức tỉnh mà thôi. 
Ngợi ca sự thức tỉnh của Siddhartha, chính là ngợi ca họ. Là phần không thể tách rời của Siddhartha. Cũng vậy, mỗi người xung quanh ta, mỗi vật xung quanh ta, gắn kết với ta, làm phương tiện cho ta chính là một phần giúp ta học tập và phát triển trong cuộc đời này. Ca ngợi ta, chính là ca ngợi từng khoảng khắc ấy, sự vật ấy. Cái ta đã hoà vào cái toàn thể, trong đó ta là toàn thể, toàn thể là ta. Khi ấy, làm gì còn ta, cũng chẳng còn toàn thể. Tất cả là MỘT, đồng nhất và vô tận. Sự thật tối thượng đã hiện hữu rồi đó. 


Đọc Siddhartha thấy bản thân mình nằm trong đó. 
Đọc Siddhartha thấy sự thực nằm trong mình, sự thực thực ra chỉ là biết lắng nghe và thấu hiểu tận cùng mà thôi. Học được nghệ thuật lắng nghe, sẽ có được sự thấu hiểu, thấu hiểu rồi tự nhiên thức tỉnh, thức tỉnh rồi tự nhiên mọi sự đều thuộc về hư vô mà thôi! Nên nói chung, có khi không cần đọc gì đâu, đọc nhiều sẽ sa đà vào quan niệm, mà quan niệm thì không bao giờ giúp ta tự do để thức tỉnh. Nên thôi, đừng đọc! Nhưng có một câu nói của Siddhartha, hãy đọc và chứng nghiệm:

"Tự mình chứng nghiệm mọi sự là một điều hay, chàng nghĩ. Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã học rằng những lạc thú và của cải thế tục không hay ho gì. Tôi đã biết điều này từ rất lâu, nhưng tôi chỉ mới chứng nghiệm nó vừa rồi. Bây giờ tôi biết những điều ấy không phải chỉ bằng tri thức, mà bằng mắt tôi, bằng tim tôi và bằng bao tử tôi".





Feb 29, 2016

TỚ HỌC VẼ GRAPHIC

Giờ học xong rồi, ngồi nhớ lại, thấy bồi hồi ghê. Lúc ấy như nào nhỉ? Đang ngồi lướt facebook thì thấy hiện ra thông tin khoá học, ngay lập tức reo lên: "A, cái mình cần đây rồi, tìm mãi cũng thấy, mong mãi cũng có!". Rồi không cần suy nghĩ thêm nhiều, mình theo đường link vào đăng ký đi học luôn. Đăng ký xong còn lo là không còn chỗ cho mình nữa chứ, vì nội dung khoá học hấp dẫn thế kia cơ mà. Nhưng may mắn thay, mình được "ưu tiên" vì là học viên của Life School nên được "giữ chỗ". Nghe buồn cười không? nhưng mình nói thật đó. Kể cũng hơi buồn cười nhỉ? :)

Ngày đầu tiên đến lớp, lớp không đông như mình tưởng. Mình tưởng là ai cũng cần thứ này giống mình, ai cũng mong muốn học được phương pháp tư duy và sử dụng hình ảnh để trình bày vấn đề thay vì slide ppt, hay là kiểu viết bảng, ghi chép truyền thống... Hơi ngỡ ngàng một tí, nhưng mà ngay sau khi gặp thầy giáo và cùng các bạn học viên tham gia màn "check in" mình đã hiểu ra: hoá ra thầy lần đầu sang Việt Nam, và đây cũng là khoá học về Graphic Facilitation (Điều phối bằng hình vẽ) lần đầu tiên được thầy giảng dạy tại Việt Nam. Vinh dự quá khi là học viên khoá đầu, thấy mình cũng có tí "thức thời", theo kịp thông tin cùng các bạn, thấy mình trẻ hẳn ra cơ nhá! ha ha. 

Lớp mình học các bạn ấy thân thiện lắm, thầy giáo thì vừa hiền lành, vừa dễ thương, ngọt ngào, quan tâm tới học viên cứ như đã quen biết từ lâu lắm rồi. Thế cho nên, không khí lớp học đã nhanh chóng trở lên ấm áp, sôi động. Mỗi thành viên trước khi đến đây đều cảm thấy sợ vẽ, các bạn ấy cũng như mình, rất lo lắng không biết rồi mình sẽ học hành thế nào đây? Có bạn đến học vì mong muốn cải thiện khả năng trình bày trước đám đông, có bạn lại mong muốn có thể dùng hình ảnh để cùng vui chơi với con, cùng học với con, có bạn lại đến học để giải đáp thắc mắc vì sao bố mình, em trai mình rất có năng khiếu môn vẽ, còn mình lại không, có bạn đơn giản chỉ muốn khám phá bản thân, thả lỏng bản thân để có thể vượt qua được chính mình. Mình cũng thế, sau khi nghe các bạn chia sẻ, mình thấy hình ảnh của chính mình trong từng chia sẻ ấy, và mình nhận ra rằng hoá ra ai cũng đều có những lý do riêng của mình. 

Những nét vẽ ngây ngô trong phần giới thiệu bản thân: 









Tuy nhiên, đến khi thầy giáo bắt đầu đưa mọi người đến khám phá từng phần môn học, mọi thứ đã được mở ra, thật thú vị mà lại gần gũi. Những hình vẽ đầu tiên được thể hiện trên từng trang giấy, những chiếc bút dạ màu được bày ra, các ý tưởng được kết nối và thể hiện qua từng bước vẽ. Vẽ xong, mình cũng phải thốt lên ngạc nhiên là tại sao mình lại có thể làm được việc này, tại sao nó đơn giản đến vậy mà mình luôn không biết tới nó, thực hành nó và biến nó thành của mình? 








Bạn sẽ làm được tất cả những điều đó, cho dù bạn chưa bao giờ vẽ, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ cầm bút vẽ, hay thậm chí chưa bao giờ nghĩ mình sẽ vẽ. Đó hoàn toàn là do mình tự giới hạn bản thân thôi. Đến gặp Narayan hay bất cứ người bạn nào đã từng học Graphic Facilitation tại lớp của mình, các bạn ấy sẽ chỉ cho bạn cách mà bạn có thể vẽ và sử dụng hình ảnh để chia sẻ về mơ ước, về dự án bạn đang ấp ủ, về môn học, về ghi chú khi họp hành, về sở thích hay thậm chí dùng những hình ảnh đó để "tán tỉnh", "cưa đổ" một ai đó cũng được. Mình cá là nếu ai đó nhận được "lời tỏ tình dễ thương" qua chính những hình bạn vẽ như vậy, hẳn sẽ động lòng lắm lắm! :)




Học xong, giờ mình đã tự tin cầm bút vẽ rồi đấy. Dù rằng bản vẽ của mình trông rất "ngây ngô" nhưng mà đã hơn đứt lúc chưa học rồi. Mình hứa sẽ cố gắng chăm chỉ luyện tập để có thể có những bức vẽ hoàn thiện hơn, có thể thể hiện được tốt ý tưởng của mình trên từng trang giấy. Thay vì ngồi làm thật nhiều slide, mình sẽ ngồi vẽ, bởi vì lúc vẽ mình có cảm giác khác lắm, kiểu như mình là siêu nhân ý, biết vẽ rồi cơ! Ngạc nhiên chưa? :))) 

Và đây là thành quả của các nhóm: 

Bạn Sơn với ý tưởng lập dự án Giao tiếp Phi bạo lực với không gian tràn ngập âm nhạc. 


Bạn Trà lấy ý tưởng từ cuốn truyện Totto Chan - cô bé ngồi bên cửa sổ để gửi đến một bức vẽ về Ngôi trường mơ ước. 



Và bạn Chuông Gió thì đang hớn hở chụp ảnh cùng với Thầy giáo Narayan đẹp trai. 


Và cuối cùng là chụp ảnh chung với cả nhóm. 


Khoá học đã kết thúc rồi mà cảm giác lâng lâng vẫn cứ tràn ngập mãi chưa thôi. Lần đầu tiên mình viết cảm nhận về khoá học mà viết xong rồi vẫn cứ ngỡ như đang ngồi học đấy! Căn bản là do thích quá mà! :)) 

Feb 28, 2016

ĐƠN GIẢN HOÁ CUỘC SỐNG /How to Simplify your life

Bí quyết đơn giản hoá cuộc sống - Tác giả: Werner Tiki Kustenmacher và Lothar J.Seiwert. 

#1 CON ĐƯỜNG ĐƠN GIẢN HOÁ

Để bắt đầu đi vào việc Đơn giản hoá này, trước tiên bạn hãy tự trả lời câu hỏi: "Vì sao tôi muốn đơn giản hoá cuộc sống? đơn giản hoá có ý nghĩa gì đối với tôi?". 

"Sự đơn giản hoá trái ngược với đòi hỏi, nó mang tính tích cực và là một khả năng mà bạn đã có từ lâu. Bản chất con người là một thực thể đơn giản". "Dạng thức cơ bản nhất của sự đơn giản chính là chỉ đơn thuần tồn tai mà thôi". 

Với vài trích dẫn ở đầu chương 1, mình đã thấy quá cần thiết, quá hợp lý, quá phù hợp với bản thân mình. Giờ ăn không nhiều, ngủ đủ, làm việc bình thường, chơi là chính (cuộc sống hoang dã thì đa số các loài thú đều vờn nhau là chính, lang thang ngắm sông núi nước non thôi chứ giờ rình mồi chắc chỉ chiếm vừa phải. Nghe câu "Dạng thức cơ bản nhất của sự đơn giản chính là chỉ đơn thuần tồn tại mà thôi" trí lý quá trời. Mình cũng chỉ mong mình đơn thuần là tồn tại, tồn tại một cách tự nhiên, không vướng bận và cũng không mắc bệnh tâm thần để ra ngoài ị bậy, tè bậy và chửi bậy là được :))). Nếu mà làm thế thì lại phá vỡ sự tồn tại một cách đơn thuần của người khác, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người thân, bạn bè, quả thực lại không phù hợp với một lối sống đơn giản rồi. 

Moi người sẽ rất ngạc nhiên, khi nhận ra rằng: hoá ra con người ta tìm mọi cách, nghiên cứu đủ thứ trên đời chỉ là để có cảm giác được giải phóng sức lao động, có sự thảnh thơi để nghỉ ngơi. Nào là máy móc, công nghệ, máy bay, tàu hoả, nồi cơm... Nhưng hoá ra, khi chất nó vào nhà, thì ngay lập tức biến ngôi nhà trở thành một nhà kho chứa đầy vũ khí nguy hiểm, có những thứ rất gây tổn hại đến sức khoẻ như các thiết bị điện tử từ tivi, lò vi sóng, bếp từ đến máy xay hoa quả... Thế vậy mà khoa học cứ nghiễm nhiên được mọi người đón nhận, thậm chí tôn sùng những trang thiết bị điện tử, cứ tưởng là mình được giải phóng sức lao động, ai ngờ mình lao ra ngoài kiếm tiền hùng hục, rồi lại đốt tiền vào lò vi sóng, điện thoại, bếp từ, tủ lạnh, tivi... Chính là mỡ mình rán chính mình, có phải không? Thế có phải là "Khát vọng về sự đơn giản đã bị biến thành một quá trình gia tăng sự phức tạp" hay không? 

Con đường đơn giản hoá cuộc sống được đặt trên chính nền tảng của sự phức tạp mà chúng ta đang trải qua. Nó sử dụng chính những kinh nghiệm và những lỗi lầm mà mình đã mắc phải. 

Đơn giản hoá là một quá trình bạn cần được thích ứng từ bên trong hướng ra bên ngoài. Nội tâm của bạn phải được trang bị và các hành động bên ngoài phải phù hợp với những gì nội tâm mong muốn bạn thực hiện. Như vậy, tiến trình đơn giản hoá sẽ đồng hành cùng bạn bắt đầu từ chiếc bàn làm việc, từ việc tổ chức thời gian, không gian sống, tới các mối quan hệ cá nhân. Khi tất cả các hành động được đồng nhất cùng suy nghĩ, cơ thể bạn sẽ thích ứng dần với nó về cả mặt thể chất lẫn tinh thần, từ cảm xúc đến lý trí. 

Trong cuốn sách, tác giả sắp xếp mô hình sống theo KIM TỰ THÁP 7 TẦNG. Ở mỗi tầng là một kho tàng đang chờ bạn tới sắp xếp lại, đơn giản hoá nó và hoà hợp với nó. 

Tầng 1: Các vật dụng
Tầng 2: Tình hình tài chính
Tầng 3: Thời gian
Tầng 4: Sức khoẻ
Tầng 5: Các mối quan hệ
Tầng 6: Đời sống lứa đôi
Tầng 7: Bản thân bạn

Với mỗi chương, sẽ tương ứng với một đêm ngủ và mơ, cách viết của tác giả rất lôi cuốn, khiến người ta có thể có những trải nghiệm hết sức thú vị và có hứng thú mong muốn được thực hiện việc đơn giản hoá cuộc sống ngay và luôn. Nhưng đâu có dễ thế, để thực hiện điều này, đòi hỏi khá nhiều sự tích cực và động lực, nó là bỏ đi những thói quen gây mất thời gian và lãng phí nguồn lực của mình rất nhiều. Bỏ đi một thói quen, thực sự đâu có dễ dàng gì! 

/Hết phần 1/ 

Jan 31, 2016

BỊ BỎ RƠI và CÔ GÁI ĐAN MẠCH



Hôm trước đoàn thể rủ đi Y Tý, đã bảo là đợi mà đoàn thể không đợi bỏ mình ở lại bơ vơ trong mưa. Đã thế chụp ảnh lại còn cứ tag mình vào, thấy bực với đoàn thể ghê.
Bực nên bỏ đi xem phim. Xem Cô gái Đan Mạch.
Phim này ở bối cảnh năm 1933, trong phim thấy cái gì cũng cũ cũ, buồn buồn. Phim nói về các nghệ sỹ nên nói chung là đẹp. Nhất là lại nói về giới tính nữ, nên cảnh quay cũng nhẹ nhàng với cả điệu đà. Mình không đạt được cảm giác háo hức và mong chờ như khi xem trail. Chỉ là thấy, để biết được chính mình đôi khi nhờ những hoàn cảnh bất ngờ. Để được là chính mình, đôi người phải trả bằng sự sống. Hành trình khám phá chính mình cũng giống như Galile bảo trái trái đất hình tròn, như Edison phát minh ra bóng điện, như ông gì phát hiện ra chất i-ot, như Triều Tiên thử bom nhiệt hạch, như vân vân và vân vân... Nói chung, hầu như sẽ tất cả quay lưng lại với bạn và có người thậm chí lừa bạn ngồi im, rồi họ đi gọi đồng đội của họ đến, trói bạn và quẳng bạn vào bệnh viện tâm thần. Hãy kịp chạy trốn và thực hiện ước mơ của mình. Và rồi bạn sẽ chết, nhưng mà bạn lại chính là người được lịch sử nhắc đến khi là người đầu tiên dám thử nghiệm điều không ai trước đó dám làm. Trong phim này, mình phục nhất là ông bác sỹ phẫu thuật cho Lili. Ông ý (chuẩn men) mà lại dùng cả đời để nghiên cứu và giúp cho những người như Lili có được giới tính thực sự. Vì người khác mà làm những việc mình chỉ nghĩ là nó tốt cho họ, với mình đó là những phẩm chất vô cùng đáng quý. Người thứ hai là chị Gerba. Một phiên bản phụ nữ tài năng, xinh đẹp và nhân hậu. Được như chị ấy, quả thực thật hiếm có. Thế thôi, mình cũng không thích thêm gì nữa, có chăng là thay vì đi Y Tý, xem xong phim lại muốn phượt thẳng đến Đan Mạch một chuyến, cảnh đẹp quá là quá luôn! :)))


Dec 6, 2015

TÂY TẠNG (PHẦN 2): ĐỀN ĐÀI, CUNG ĐIỆN & TU VIỆN

Mùa này Tây Tạng đang cuối Hè, chuẩn bị sang Thu, thỉnh thoảng chúng tôi đã bắt gặp vài vạt cây có lá vàng rủng rỉnh reo đùa dưới nắng. Những vạt cây góp phần tô điểm cho vùng đất này thêm màu sắc mới, khác xa với cả quãng đường dài dằng dặc toàn đất đá và núi đồi. Mỗi khi đến một vạt cây xanh xanh, là tôi lại biết rõ ràng rằng mình đang đi vào khu dân cư đông đúc, cũng có thể là đang chuẩn bị đặt chân tới thăm một ngôi chùa hoặc tu viện nào đó cũng nên. Đến Tây Tạng mà bạn không đến thăm các tu viện thì không còn chất Tây Tạng nữa rồi, vì nơi đây vốn mệnh danh là vùng đất thiêng, một trong những sự khác biệt của Tây Tạng so với thế giới bên ngoài là sự khác biệt về tôn giáo, tín ngưỡng, với sự xuất hiện một tông môn của Phật giáo, nhưng mang tính biệt truyền, đó chính là Phật giáo Mật Tông, hay còn gọi là Kim Cương thừa. Dòng tu này, hiện ở Việt Nam cũng đã có. Sau những năm 50 thế kỷ XX, khi Đức Dalai Lama 14 tới sinh sống và thiết lập một chính phủ Tây Tạng tại Ấn Độ, cùng với rất nhiều người Tây Tạng di cư tới một số quốc gia khác tại Mỹ, châu Âu... thì Phật giáo Mật Tông đã được thế giới biết tới nhiều hơn. Bạn có thể tra google để tìm hiểu thêm về Đức Dalai Lama 14 và các bài giảng pháp của Ngài, nếu muốn, mà thực ra nếu có thời gian thì rất nên nghe, vì các bài giảng đó rất có ý nghĩa đối với bất kỳ ai được nghe chúng, bởi sự thâm sâu, gần gũi, thiết thực và vui vẻ, tôi nghĩ tại sao ai đó lại nỡ từ chối một món quà miễn phí và đầy phước lành đến thế chứ! Bonus cho mọi người tấm ảnh của Ngài hồi trẻ, đẹp trai và trí tuệ đến thế là cùng! <3


POTALA - CUNG ĐIỆN CỦA CÁC DALAI LAMA

Nói vậy chứ không phải chỉ có vậy, Potala là nơi linh thiêng bậc nhất tại Tây Tạng, đây được coi là đầu não của chính phủ tôn giáo Tây Tạng. Tại sao lại nói là chính phủ tôn giáo? Bởi lẽ, tại Tây Tạng, chính trị và tôn giáo đều do Dalai Lama đảm trách, Dalai Lama vừa là lãnh tụ tôn giáo vừa là người cai trị đất nước. Dân số Tây Tạng không nhiều, chỉ ngang bằng với dân số của Hà Nội, khoảng hơn sáu triệu người, hơn 90% dân số theo Đạo Phật, số còn lại theo Đạo Bon - một tôn giáo bản địa tồn tại hàng ngàn năm trước khi Đạo Phật tiến vào Tây Tạng, do hai người vợ của Vua Songtsan Gampo, dịch âm Hán Việt là Tùng Tán Cán Bố (nghe kinh quá) đưa đến. Cả hai người vợ này đều là Phật tử, khi đến họ đã mang tượng Phật và kinh sách tới. Sau này, nhà Vua cho xây dựng chùa chiền, tu viện nhằm phát triển Phật giáo tại Tây Tạng. Bên cạnh đó, còn mời rất nhiều những cao tăng từ Ấn Độ, Trung Hoa tới Tây Tạng để giảng pháp và giáo hoá dân chúng. Điển hình có Đức Liên Hoa Sinh Atisa - một vị Phật thứ Hai, biểu trưng cho nền Phật giáo Tây Tạng cho đến tận bây giờ. 

Lại nói về Potala, thôi thì post ảnh cho mọi người ngắm thôi, có nhiều tài liệu nói về toà cung điện này lắm, có cả những thứ rất huyền bí ở đây nữa, giả dụ như mình nói thế này các bạn có sợ vào lăng Bác không? Vào Potala cũng có một khu lăng mộ to đùng, chứa hầm mộ và xác ướp của các vị Dalai Lama, nói là các vị nhưng thực ra theo tín ngưỡng của người Tây Tạng, thì tất cả các thân xác đó chỉ có 1 linh hồn, đều do một linh hồn nhập thế qua nhiều đời. Người Tây Tạng có truyền thống tìm kiếm thế thân của DLLM bằng cách sau khi vị DLLM qua đời, Panchen (Dịch là Ban Thiền) sẽ có nhiệm vụ truy tìm dấu tích tái sinh của ngài thông qua một số biểu trưng đã được thông báo qua các hiện tượng khi các ngài tham thiền. Tỉ dụ như mặt hồ soi bóng ngôi nhà nơi DLLM tái sinh, tìm kiếm những đứa trẻ có biểu hiện thiên tài về năng lực trí tuệ sớm (nói, viết, vẽ, đọc kinh...); Khi đó họ sẽ đưa những đồ vật của DLLM đời trước và bảo đứa bé tìm, nếu tìm đúng (thường là 3 đồ vật) thì sẽ được đưa về Lhasa tu học. Sau đó, ngài đó phải trải qua những kỳ kiểm tra hết sức gắt gao để thăng tiến trên con đường học vị, hiểu biết tất tần tật về Phật Giáo và cả phương pháp trị quốc (sau này, chứ mấy vị ban đầu không có làm công việc trị quốc, chỉ thuần về tôn giáo thôi); Mình thấy cái này là một sai lầm, nói thật là do ngài thứ 5 ấy quá là tài giỏi đi thì mới làm được việc đó, chứ trị quốc vốn dĩ có 1 việc hết sức khó khăn khi có giặc đến chiếm đất nước, đó là phải dùng quân đội hoặc vũ lực (nhất là đối với Tung Của - chủ nghĩa xâm chiếm, nung nấu ý chí Hán hoá tất tần tật dân tộc nào yếu thế). Hiện tại, thì ở thế giới mới có 2 vị lãnh tụ tinh thần nổi tiếng là Gandhi - người đấu tranh cho nền độc lập của Ấn Độ bằng con đường tuyệt thực mà không tiếng súng; mới đây nhất là bà Susu (nghe như tên sữa chua uống liền), người Miến Điện, bỏ chồng bỏ con tại Anh quốc, chạy vù về Myanmar thăm mẹ ốm rồi ở lì ở Miến để lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa độc tài của quân đội Myanmar. Muốn biết thêm về vị này, hãy xem phim Lady, phim này mình không thích cô diễn viên chính vì so với nhân vật thực tế là bà Susu quá là xinh đẹp và cương nghị. Nhìn bả mảnh mai thế mà mạnh mẽ vô song, hâm mộ thế chứ! :)

Thôi, xem ảnh đê, bàn về chính trị nhiều nhức óc lắm! 


Hoa nở trong vườn....



Thật xứng đáng với vị thế lâu đài cao nhất thế giới...






Hiên ngang và vững chãi trước thời gian...


Tại sao chỉ chụp được cảnh bên ngoài, bởi vì tất cả các địa điểm thăm quan, các bạn đều không được phép chụp ảnh (nếu chụp thì hơi đắt, mỗi nơi bạn phải bỏ thêm 20 tệ để được chụp), vé thăm quan cho người nước ngoài khá đắt đỏ, tầm 80 - 180 tệ/vé. Nên hầu như chúng mình chỉ xem mà không dám chụp! :)))

Trong cung điện nhiều châu báu lắm, có cả mấy gian phòng chỉ trưng bày quà tặng của các vị quân vượng các nước, có cả Nga, Ấn Độ, Trung Quốc... đồ đẹp, đá quý đẹp. Nghe bảo là đá quý bị thay thế bằng đồ trưng bày chứ không còn quý giá như thực tế vốn có trước đây nữa. Vào Potala, nhất định bạn phải đi giày thể thao hoặc dép bệt nhé, vì leo cao lắm, lúc xuống cũng dâp dìu bậc thang, mỏi chân cực đấy! Nhớ mang mũ hoặc khăn để che đầu tránh nắng và lạnh nữa. 

Nhưng mà yên tâm, PaMa mình leo vô tư nên các bạn cũng cứ thoải mái nhé! :)


SERA - TU VIỆN LỚN NHẤT THẾ GIỚI

Thấy bảo ở đây ngày xưa đông lắm, có tới 10k nhà sư tu tập. Ngày nay ít hơn, còn khoảng 4k người. 

Nhìn phía xa xa, bên phía trái của ảnh có một bức tường rất lớn, đó chính là nơi treo Thangka. 

Thangka là gì? 

Thangka là một loại tranh truyền thống của người Nepal, dòng tranh này được truyền vào Tây Tạng theo bước chân của công chúa Nepal khi nàng ấy lấy vua Tây Tạng, nàng là vợ đầu, còn công chúa Văn Thành của Trung Hoa là á hậu. Trên mỗi tấm Thangka, bạn sẽ nhìn thấy các hình ảnh về Phật giáo, với những chi tiết hết sức tỉ mỉ, chi tiết và mang tính nghệ thuật rất cao. Nghệ sỹ vẽ Thangka được phân chia thành nhiều cấp bậc, giống như nghệ nhân trong các làng nghề truyền thống của nước mình. Để vẽ được môt bức Thangka hoàn chỉnh, có những bức phải mất mấy tháng trời mới hoàn thành, tiếc là mình không chụp bức nào, các bạn có thể lên mạng tìm hiểu thêm nếu thích. 

Link đọc thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/Thangka


Sera là nơi tập trung rất nhiều cư sỹ, tu sỹ sinh sống và học tập. Các tu sỹ tập trung tại sân, dưới các gốc liễu cổ thụ tranh biện hết sức sôi nổi, các động tác thực hiện quả thực cũng rất thú vị. Những bức hình dưới đây có thể nói phần nào về không khí buổi tranh luận, nhưng thực sự phải đến tận nơi, nghe tiếng phản biện rào rào và từng cái vỗ tay đen đét, rồi cả những cú tung mình về phía đối thủ mới cảm nhận được sự nhiệt tình trong lớp học của các vị tu sỹ này. Nơi đây gọi là Vườn Biện luận này:


Biện luận là một môn bắt buộc phải có trong chương trình học của các tu sỹ xứ Tuyết. Để tránh học mà không hiểu, học mà giáo điều và học một mình, các tu sỹ buộc phải tham gia buổi phản biện để nâng cao học vấn, sự hiểu biết giáo pháp. Mỗi một ý kiến của các thầy sẽ được đem ra trao đổi cùng bạn đồng môn, nếu câu hỏi nào không trả lời được, các vị phải đào sâu suy nghĩ, có thể hỏi thêm sư huynh, sư phụ hoặc chính người bạn cùng học. Thông qua phản biện, các thầy được nâng cao tri kiến về giáo pháp, giúp cho khả năng học hỏi được nâng cao rất nhiều so với việc ngồi đọc sách trong thiền viện.






Mình ngồi nghe các thầy vỗ tay mà cũng thấy inh tai, ban đầu cũng rất tò mò, tiến sát đến ngồi gần, nhưng mà nghe mãi chẳng hiểu gì, ngồi khoảng 30 phút bắt đầu thấy nắng vỡ đầu, chạy ra ngoài tìm mamapapa ngồi cùng dưới một gốc liễu rất là to :). Xong rồi cả đoàn đi tiếp, dù sao giờ cũng là hơn 12h trưa, thế mà các vị vẫn tham gia buổi biện luận rất hăng say "như chưa hề có cuộc chia ly" vậy!

Cả đoàn ra ngoài tập trung chụp một kiểu ảnh lấy khí thế! :)))

LÀM SỮA THẢO MỘC

RẤT DỄ LÀM SỮA THẢO MỘC ĐỂ BẠN RA KHỎI SỮA BÒ CHÍCH HORMONES & NUÔI BẰNG GMO.

NGUYÊN LIỆU: công thức tiêu chuẩn 1.5/4, bạn có thể làm loãng hay đặc hơn.

- 1,5 cups hạnh nhân [almond]. 
- 4 cups nước.

- chút xíu vani tự nhiên hay tinh dầu quế… để tạo mùi thơm nếu bạn thích.

- 1 thìa đường, si-rô mía để tạo ngọt, chú ý ngọt quá sẽ không ngon.
CÁCH LÀM:
- Rửa sạch rồi ngâm hạnh nhân trong nước pha ½ thìa cà phê muối biển tối thiểu 12 giờ. Đây là một bước quan trọng không thể bỏ qua bởi nó làm giảm phytates và kích hoạt các men hữu ích. Làm khô nó trong lò nướng mức nhẹ nhất KHÔNG RANG.
- Xay hạnh nhân với nước trong máy xay sinh tố vài phút cho đến khi tan. Hỗn hợp sẽ “nở” có thể gây trào nếu quá đầy bình.
- Lọc hỗn hợp qua rây hoặc vải thưa.
- Thêm vani, đường tùy khẩu vị.
- Có thể trữ trong bình thủy tinh, cất tủ lạnh cho đến 1 tuần nhưng ngon nhất là dùng trong vòng 2 ngày.
PHIÊN BẢN:
- Bạn có thể cho thêm hạt hồ đào [pecan], hạt bí rang đã tách vỏ, vừng trắng rang nhẹ lửa, đậu xanh tách vỏ đun sôi… sữa sẽ bổ hơn và có nhiều sắc thái khác nhau.
- Sữa đậu xanh làm giống sữa đậu nành, nghĩa là bạn phải xay rồi đun sôi để nguội.
- Cũng có thể dùng đậu xanh đã tách vỏ, ngâm, đồ lên rồi xay cùng hạnh nhân. Cách này là tiện nhất.

Ngon bổ không thể nghĩ bàn, bạn sẽ hối tiếc vì chưa dùng nó trước đây. Sữa thảo mộc này không độc hại như sữa từ bò chích hormones, nuôi bằng thức ăn công nghiệp chứa GMO đẫm thuốc diệt cỏ glyphosate. Và bạn sẽ quên cả sữa ngô cũng như sữa đậu nành mà ngày nay bị thay đổi di truyền lại không ghi nhãn để lừa bạn. Bã của hạnh nhân có thể trộn bột rán bánh. 

Link tham khảo: 
https://www.youtube.com/watch?v=WeZCMNB2YO0
Link chính từ FB cô Liên Hương: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1417271311926870&set=a.1390309464623055.1073741827.100009320443220&type=3&theater

SINH TỐ CUNG CẤP NĂNG LƯỢNG TỨC THỜI & VITAMIN 
Các bạn đã thành công với món sữa thảo mộc làm từ hạnh nhân, đậu xanh, hạt senhttps://www.facebook.com/photo.php?fbid=1417271311926870&set=a.1390309464623055.1073741827.100009320443220&type=3&theater Mình giới thiệu sinh tố hỗn hợp cung cấp năng lượng tức thời và nhiều vi chất. Trẻ con cần uống những thứ này như điểm tâm thay cho nước ngọt đóng chai, bim bim…

NGUYÊN LIỆU: gia giảm tùy mùa
- Xoài chín
- Chuối chín
- Nước cốt dừa [mình thường dùng loại đóng lon] 2 thìa cafe đầy
- Dầu vừng vài giọt
- Mít chín [2 múi]
- Na ta [dai hoặc bở bỏ hột]
CÁCH LÀM:
Xoài xay cùng chuối, tỷ lệ 3 xoài/2 chuối. Bạn thêm nước cốt dừa, dầu vừng cho dậy mùi và tăng độ béo mượt.
Với người lớn có thể thêm một thìa nước cốt café.
Phiên bản cho mùa thu tỷ lệ 1 chuối/ 2 xoài/ 2 na dai bỏ hạt.
Phiên bản tôi thích là thêm 2 múi mít.
Nếu cầu kỳ, bạn thêm tí xíu nhụy hoa nghệ tây khô[saffron], sợi đỏ trong hình, sẽ có vị đắng nhẹ đặc biệt – đây là loại gia vị đắt nhất thế giới.
NGUYÊN TẮC:
* Trái cây làm mát trong tủ lạnh, không thêm đá vào sinh tố.
* Uống ngay sau khi xay không trữ lâu.
* Sinh tố này xúc ăn bằng thìa, nếu bạn thêm nước thì để uống, nhưng như vậy làm giảm sự hấp thu prana có trong thảo mộc ở lưỡi.
Các bạn có thể mở tiệm với các công thức thảo mộc này.

Sep 25, 2015

TÂY TẠNG MÙA SẮP THU (PHẦN 1: TRÊN ĐƯỜNG ĐI)

PHẦN 1: TRÊN ĐƯỜNG

Hôm nay rảnh rỗi, mặc dù hơi buồn ngủ, nhưng nghĩ từ ngày đi Tây Tạng về, ngủ triền miên rồi, thành ra cố gắng một chút để viết một chút về nơi ấy, nơi mùa sắp Thu. 

Chuyến đi ấy, như là duyên nợ. Ấp ủ đã lâu mà giờ mới được đặt chân tới nơi, hân hoan biết mấy! 

Cảm giác đi xuyên qua những con đường núi hiểm trở, trọc lóc, vừa nắng vừa lạnh thấu không còn là sự xa lạ đối với mình. Nhưng nơi đây, thực sự dễ khiến cho người phương xa ngây ngất bởi bầu không khí loãng, nắng gay gắt mà vẫn buốt giá. Thiếu oxy khiến máu cho mình bị choáng, lúc ban đầu người cứ vất va vất vơ như say thuốc. Mẹ mình bảo: "Nhìn chúng mày bước dật dà dật dờ, cảm giác như người mang thai sợ tụt"... Câu nói này thật đúng và quá hài hước, khiến cho mình và em đi cùng buồn cười mà không dám cười to, sợ mất sức! :)))

Tây Tạng - được gọi với cái tên Xứ Tuyết, mùa mình đến chưa có tuyết, chỉ nhiều nắng, gió. Trời xanh ngăn ngắt mấy từng mây, với những rặng núi non hiểm trở, trọc và bong tróc. Thỉnh thoảng từ cửa kính ô tô ngước lên, thấy rặt những đất, đá một màu nâu đen tối tăm. Nhưng những dãy núi hướng xa xa vẫn còn vảng vất từng mảng băng tuyết trắng xoá, nổi bật giữa nền trời và những mảng đen sẫm của đất đá. 







Đi rồi đi, qua những cánh đồng lúa barley trải dài đang độ chín vàng.


Những nhành lúa barley đang được thu gặt: 


Và những người nông dân đang làm việc trên cánh đồng: 



Nếu ở Thổ gặp rất nhiều mèo hoang, thì ở bên này lại gặp rất nhiều cún. Cún cứ thả hoang chạy loanh quanh, sống trong chùa cũng rất nhiều. Nghe bảo chó Ngao Tạng trông rất hung dữ, nhưng khi mình gặp chó Ngao, mình thấy nó rất đáng yêu, to đùng và cái mặt cứ chảy xệ xuống, lưỡi lè ra thở phì phò trông rất hay (chỗ hồ Yamdrok có chó Ngao). Ảnh này là chó thường chứ không phải chó Ngao nhé! :)



Tây Tạng với phần lớn là đồi núi, rất ít đồng cỏ, nếu có cỏ thì cũng chỉ là một loại cỏ trông lúp xúp, lá cứng vì thời tiết lạnh, hanh khô và đất ít dinh dưỡng.



Cây cỏ này rất thấp, để chụp được cao thế này, Chuông phải nằm rạp xuống nền cỏ, khi nhổm dậy thì quần áo hơi ẩm và hôi hôi mùi phân bò, phân dê... :)


Những con bò yak, dê và cừu đang thong thả gặm cỏ trên thảo nguyên bát ngát...




Trên mỗi cung đường, nếu thiếu đi bạn đồng hành thì quả là thiếu xót, sẽ không có người chia sẻ cùng bạn những kỷ niệm, những cảm xúc trên đường đi. Mỗi chuyến đi là một cuộc chinh phục đầy thử thách, đặc biệt là vùng đất Tây Tạng này, vùng đất được mệnh danh là khí hậu khắc nghiệt, khác biệt với đa số những vùng đất khác trên thế giới, nếu không có những người bạn đồng hành, hẳn là chuyến đi của mình sẽ không được trọn vẹn nữa.

Những chuyến đi của Chuông Gió, gần như là luôn có sự hiện diện của Papa và Mama. Khi thực hiện chuyến đi này, rất nhiều người bạn đã thốt lên đầy ngạc nhiên rằng: sao lại mạo hiểm đưa các người bạn lớn đến nơi khắc nghiệt đến thế, cơ mà thực sự hai người lại khoẻ, không có vấn đề gì xảy ra cho các bạn ấy, mình vẫn luôn tin thế mà, nên vẫn nhất định để hai người đi cùng! Papa và Mama đều đã được đặt chân đến Himalaya rồi, Papa ngồi xếp đá thiêng bên dòng sông dưới chân núi Everest có lẽ là hình ảnh đáng nhớ nhất trong suốt chuyến đi tới Tibet của mình hôm nay. 






Thực ra đây là cái lỗ (có thể gọi là thiêng), người ta cầu nguyện rồi đem gạo đổ vào đây, như một hình thức tế thần linh. Đến các Chùa của Tibet, thường thấy rất nhiều barley được nhuộm xanh đỏ tím vàng rồi rắc khắp nơi.



Dừng chân nghỉ bên ngoài Tu viện Shigatse Tashillunpo hay sao ý nhở? :)))





Ven đường...



Những người bạn đáng yêu này - có thể gọi là bạn châm chích cũng được, bởi vì ngoài châm chích thuốc hồng cảnh thiên ra thì các bạn còn rất thích chòng ghẹo nhau, trên ô tô hay trong mỗi bữa ăn đều không thiếu tiếng cười đùa... Nhớ các bạn ghê!



Hai đứa này - đồng bọn chung phòng với tui, trông bọn chúng bĩu môi sao mà yêu! :)))


Khổ chủ - lâu lâu mới lại có 1 chiếc ảnh... Mà ảnh chụp cùng người bản xứ mới kinh, nhưng mà lại bị người bản xứ quay lưng không thèm cả bắt nhời! :)))



Đi giữa rừng hoa...





 Hoa bướm mọc hoang trên cánh đồng, xa xa là những người nông dân vẫn chăm chỉ lao động...




Và đây là cảnh hồ Yamdrok, là một trong những hồ thiêng của Tây Tạng. Tương truyền đây là hồ nước do một cô gái biến thành, cô gái này đẹp thật nhỉ? Nhưng mà cô nằm ở nơi hơi bị cao, tầm 4.400m so với mực nước biển. Đứng trên cao nhòm xuống, trông cô uốn lượn, cong cong rất mê hồn. Hồ này cách Lhasa khoảng 100km thôi mà đi mãi mới tới. Nghe nói có cái đập thuỷ điện xây dựng ngay gần đây. Người Tạng nói: Khi nào còn Yamdrok thì đất Tạng còn. Có lẽ vì câu này, hoặc do thuật phong thuỷ gì đó, người Hán đến đô hộ đã xây cái đập thuỷ điện lên, rõ ràng nơi nào có hồ thuỷ điện, nơi đó bị phá huỷ cảnh quan tự nhiên và dần dần sẽ mất đi tính linh thiêng vốn có đó sao. Mình tin là dù có thế nào, Hồ Yamdrok vẫn sẽ đẹp muôn đời! :)









Đứng có 1 lúc ở đây, trên đèo nhìn xuống Yamdroktso, thế mà mây cứ bay lủng liểng trên đầu, thỉnh thoảng lại tắt nắng, trời như sầm xuống, nước hồ cũng được các đám mây tạo màu trên nền nước, đẹp tuyệt vời!




Và nắng lại lên rồi! 


Hồ Yamdrok, đẹp lắm đẹp lắm! Cơ mà có người đứng chắn nên giảm vẻ đep của Hồ đi khoảng 100 lần! Tớ nói thế thôi chứ thật ra cái màu áo này làm nổi cái hồ lên quá cơ, đẹp lại càng thêm đẹp! :)))



Gửi thêm một vài bức ảnh về Namtso - Hồ nước thiêng dài 70km, rộng 35km, sâu 35m. Nghe số liệu về chiều dài chiều rộng và độ sâu của hồ nước này thật cũng rất đáng ngưỡng mộ phải không à? Xung quanh hồ Nam còn được bao phủ bởi những dãy núi tuyết trùng điệp, nước hồ chủ yếu được sinh ra từ những mảnh tuyết trắng chảy từ trên đỉnh núi cao khoảng hơn 7000m xuống, do vậy về bản chất nước hồ rất tinh khiết, tuy nhiên với sự xâm lấn của con người, hồ nước dần mất đi sự tinh sạch vốn có. Người Tây Tạng cho rằng, đi cầu nguyện quanh hồ sẽ tăng thêm phúc lành, do vậy thường có lễ hội được tổ chức và người người kéo về nơi đây hành hương quanh hồ. Quả thực, với 70km chiều dài và 35km chiều rộng, không hiểu sẽ mất bao nhiêu ngày để có thể hành hương xong? Nghe nói, trong lòng hồ còn có 5 hòn đảo, 5 hòn đảo này tượng trưng cho Đức Phật ngũ chỉ, mà thực sự mình còn chưa biết Đức Phật ngũ chỉ nghĩa là gì? mà cũng chưa có cơ hội được tới 5 hòn đảo nhỏ đó, có lẽ lạnh lắm, nhìn hồ mà xem, là hồ mà sóng đánh dập dềnh như biển động ấy, để ra được 5 hòn đảo kia chắc chỉ đợi đêm nằm mơ ngủ mà thôi! :) 



Hô gió gọi bão chăng?



Bình minh trên Hồ... Yak vẫn đang chậm rãi gặm cỏ khô, đời sống của nó thật bình yên và đẹp đẽ. Bạn hay bất kỳ ai cũng có thể cưỡi lên lưng em Yak xinh đẹp này nếu bạn trả cho người chủ 20 tệ và trèo lên lưng Yak xinh đẹp này cưỡi đi lòng vòng trên bờ, sẽ là 30 tệ nếu vừa cưỡi vừa chụp ảnh nhé! :D



Mặt trời đã ló rạng sau dãy núi xa xa... Ông mặt trời giống như một thiên thần, một ngôi sao đang lượn trên bầu trời ấy nhỉ? Mình rất thích ông ấy trong bộ dạng này! Nhìn ông ấy mình lại nghĩ đến truyện Nhà Giả Kim, trông thật nhiệm màu! :)












Còn đây là một số bông hoa trong Cung điện Mùa Hè, nơi nghỉ ngơi và làm việc của các Dalai Lama. 









Cái cây này, mình vừa nhìn thấy nó đã thấy xốn xang, sao lại có một cái cây đẹp đến thế này! Duyên dáng, uyển chuyển và mong manh đến lạ! Màu vàng ấy, chiếc áo của mùa Thu khoác lên nó, thực sự diễm lệ lắm lắm!



Bồ Công Anh đang được gió cuốn đi...










(Hết phần I)