Nov 21, 2014

NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN

Trong chúng ta, ai ai cũng đều có thầy cô của mình, người đó có thể là thầy cô giáo, những người đã dạy cho chúng ta những kiến thức trong nhà trường. Nhưng cũng không ít người, tuy không dạy ta học những bài học trong sách vở, nhưng họ vẫn xứng đáng và là những người thầy chân chính. Những bài học họ dạy, mà có khi họ cũng không có chủ ý dạy nhưng lại có ảnh hưởng sâu sắc đến chúng ta, đến nhận thức cũng như đôi khi khiến cho cuộc đời của chúng ta có những biến đổi rõ rệt. Thật rất đáng trân trọng.

Nhưng, thực sự, rất ít người nghĩ rằng, cha mẹ lại là những người thầy đầu tiên của chúng ta!

Tập những âm vần đầu tiên, người bên cạnh luôn là cha, là mẹ.
Chỉ những bước đi đầu tiên, người bên cạnh luôn là mẹ, là cha.
Nói cho ta biết màu sắc của vạn vật xung quanh...
Trả lời những câu hỏi ngô nghê, ngờ nghệch của chúng ta về mọi thứ...
Kiên trì ngồi xem ta vẽ vời, nghuệch ngoạc...
Chỉnh cho ta những điệu bộ vô tư, khờ khạo...
Hướng dẫn cho ta cách ăn, uống, chơi đùa...

Tất cả là vì chúng ta... Để ta thành người!

Người thầy ấy công lao thật như biển cả, có sức dung chứa đến lạ kỳ. Biển cả là nơi xoá nhoà tên của các dòng sông, mạch suối. Nơi đó dường như chỉ có sự mặn mòi của tình thương mến và lòng khoan dung vô bờ!

Ngày Nhà giáo, nhớ thầy cô ở nhà quá đỗi!

Mà thực ra, Mẹ mình chính là cô giáo đầu tiên của mình ngoài đời thực. Nửa đầu năm lớp 1, mình học lớp của mẹ rồi sau đó mới chuyển sang lớp cô Hường dạy.

Ngày mai sẽ viết thư tay cho cô giáo Mẹ! Tự nhiên muốn viết thư tay cho mấy người, nhưng chắc chỉ viết cho mẹ thôi, viết cho mẹ cho an toàn, vì chỉ có mẹ là chẳng bao giờ từ chối mình! :)


Nov 20, 2014

VƯƠNG HY PHƯỢNG - NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG TIỂU THUYẾT

Họ là những người phụ nữ trong tiểu thuyết, là nơi tôi có thể ngồi lặng im để tìm hiểu về họ, để cảm nhận về họ và yêu thương họ, tình yêu đó đưa tôi ra đời, nhìn đời và yêu thương đời! Tôi biết về họ, không phải bởi ngôn ngữ thông thường, mà vẻ đẹp đó được đưa đến qua ánh mắt đọc chữ và sự tưởng tượng. Một kiểu biết đến, một kiểu tiếp cận mà rất nhiều người làm nhưng không hẳn ai cũng nhận ra được cách yêu đó có một sự khác biệt đến thế nào so với cách yêu thương thông thường. 

Phần 2: 
Vương Hy Phượng

Nói đến hình ảnh người phụ nữ sắc sảo thì khó có ai sánh được với Vương Hy Phượng, một nhân vật trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần. 

Trước khi mất, vợ của Giả Dung là Tần Khả Khanh có đến báo mộng chào tiễn biệt và căn dặn Phượng ớt về lẽ sống ở đời: "Trăng tròn rồi khuyết nước đầy sẽ tràn, trèo cao tất ngã đau, từ cổ đến nay vinh nhục luân hồi, Thím là bậc anh hùng trong đám quần thoa, ngay cả đàn ông mũ cao áo dài cũng phải thua nhưng Thím chớ quên câu tục ngữ: Tiệc vui cũng tàn, nếu không có ngày hối hận cũng không kịp nữa...". Có thể là do quá lý trí và tự tin, cộng với việc chưa từng trải nghiệm cảm giác đau khổ, đói nghèo nên Phượng Thư hoàn toàn không để tâm tới lời dặn dò của Tần Khả Khanh, ngay sau đó nàng tiếp quản, coi sóc Phủ Vương thay Mợ Dung. Bằng việc tổ chức tang lễ cho cô cháu dâu, Phượng Thư đã được ghi dấu thành hình ảnh "không ai thay thế được mợ Hai của Phủ" bằng hàng loạt các công việc như tổ chức lại đám gia nhân, đôn đốc và phân chia công việc của Phủ Vương. 

Vương Hy Phượng đã thực sự tạo được ấn tượng khá mạnh mẽ đối với tôi, lần thứ nhất xem phim khi còn quá nhỏ nhưng đã thực sự thấy lôi cuốn và khâm phục. Khi là sinh viên, đọc truyện lại càng thêm thú vị, xem lại phim vài lần, lần nào cũng không khỏi thán phục nhân vật này. Tuy nhiên, vẫn luôn cảm thấy có gì đó không ổn, không mong chờ. 

Hoàn cảnh tạo con người hay con người tạo ra hoàn cảnh?

Với nhân vật Phượng Thư, thực sự hoàn cảnh cũng góp phần tạo nên cô ấy rất nhiều. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình danh gia vọng tộc, luôn được các bậc tiền bối khen ngợi trí thông minh và tài tháo vát, lại được thả sức sử dụng tài năng quản lý, tổ chức gia tộc do Giả Mẫu và Vương Phu Nhân giao cho nên Phượng càng ra sức thể hiện. Nàng làm việc miệt mài, cay nghiệt và khiêm khắc. Tuy thông minh và xinh đẹp nhưng cô nàng lại không thích văn chương thơ phú. Ở nàng, ta nhìn thấy tài năng của một nhà hoạch định tổ chức công việc và quản lý tài chính. Mọi việc khi đến tay nàng ta được giải quyết gọn nhẹ bằng cái đầu thông minh, một trái tim lạnh và một bàn tay sắt. Ở nàng, sự khát khao thể hiện tài năng, sự tự tin về năng lực và một phần của phẩm chất "vương giả" trong cái gọi là "bệnh hình thức". Vì gia đình dòng tộc, nàng quyết tâm phá đám cưới của Bảo Ngọc và Đại Ngọc, thay cô dâu bằng Tiết Bảo Thoa, sự tráo trở này đã khiến cho Lâm Đại Ngọc ôm hận mà chết, Đại Ngọc buồn chán bỏ đi. Xuyên suốt câu chuyện Thập Nhị Kim Thoa là hình ảnh của Mợ Hai sắc sảo, nhiều gian kế. Cái đầu của nàng dường như sinh ra là để bày mưu tính kế, toàn là những kế mưu hại người để lợi mình hoặc sắp xếp theo ý mình để thể hiện uy quyền và tài năng. Dường như nàng ấy sống cho những cái danh hão mà thực sự không để tâm đến sức lực và phúc phận của mình. Cũng đúng thôi, nàng luôn tự cho mình là loại người vô thần, không tin vào luật nhân quả, chỉ tin chính mình.

Kết thúc câu chuyện, Phượng Thư đã chịu cảnh chết vì bệnh tật, thân xác bị kéo lê trong tuyết trắng, thực rất đáng thương. Những lời lẽ của Tần Khả Khanh hiện về như thực. Đây chẳng phải là quả nghiệp mà cô ấy đã tự tạo lên trong đời mình hay sao. Người ta nói, nhân quả là thứ không thể bỏ qua. Đối với tôi, Nhân - Quả giống như tài khoản cuộc đời, khi tiền vào tài khoản, ngay lập tức được ghi nhận, khi bạn gửi tiết kiệm hoặc bất cứ giao dịch nào phát sinh cũng đều được ghi nhận trong sổ cuộc đời. Không có gì qua mắt được nhân viên ngân hàng (nghiệp), bạn tiêu gì bạn sẽ có thứ tương ứng, có thể ngay lập tức, hoặc có thể lâu dài tùy từng mức độ bạn sử dụng tài khoản. Trong truyên này, gần như Phượng ớt đã lĩnh trọn những nghiệp quả mình gây ra trong kiếp này, thật bi thương! Như vậy, chẳng phải là Con người cũng có thể tạo ra hoàn cảnh cho chính mình hay sao? 

Hồng lâu mộng khúc

聰明累
機關算盡太聰明,
反算了卿卿性命!
生前心已碎,
死後性空靈。
家富人寧;
終有個,家亡人散各奔騰。
枉費了意懸懸半世心,
好一似,蕩悠悠三更夢。
忽喇喇似大廈傾,
昏慘慘似燈將盡。
呀!一場歡喜忽悲辛。
嘆人世,終難定!
Thông minh lụy
Cơ quan toán tận thái thông minh,
Phản toán liễu khanh khanh tính mệnh!
Sinh tiền tâm dĩ toái,
Tử hậu tính không linh.
Gia phú nhân ninh;
Chung hữu cá, gia vong nhân tản các bôn đằng.
Uổng phí liễu ý huyền huyền bán thế tâm,
Hảo nhất tự, đãng du du tam canh mộng.
Hốt lạt lạt tự đại hạ khuynh,
Hôn thảm thảm tự đăng tương tận.
Nha! Nhất trường hoan hỉ hốt bi tân.
Thán nhân thế, chung nan định!
Mắc lụy thông minh (Người dịch: nhóm Vũ Bội Hoàng)
Việc đời tính rất thông minh
Việc mình, mình tính phận mình vẫn sai
Sống lần ruột đã nát rồi
Chết mang tiếng hão là người tinh ranh
Trước kia giàu có khang ninh
Giờ sao cơ nghiệp tan tành khắp nơi
Uổng công áy náy nửa đời
Khác gì một giấc mộng dài thâu canh
Ầm Ầm như sắp đổ đình
Chập chờn như ngọn đèn xanh cạn dầu
Vừa vui vẻ đã âu sầu
Đời người biến đổi biết đâu mà lường.

Nov 11, 2014

BÁO HIẾU MẸ CHA

Hôm nay nấu cơm cùng chị gái, đang rửa rau, bà chị quay sang bảo: "Bố bây giờ đau khổ nhất là vì Phong không lấy chồng". Thôi chết! Vì mình không lấy chồng mà khiến bố mình đau khổ thế sao? Sao bố mình không nói cho mình biết mà lại phải thông qua người khác nhỉ? Mình không buồn, không vui, không lo lắng nhưng cảm thấy có lỗi với bậc sinh thành. 

Từ nhỏ mình đã là đứa giống bố nhất, từ hình dáng bên ngoài lẫn một phần nội tâm. Trong nhà mình không ai mê đàn ca sáo nhị như bố với mình. Việc gì bố cũng là người khá xuất sắc, từ chuyện kinh doanh cho đến hiểu biết xã hội, lịch sử, địa lý, chính trị. Bố còn là người nấu ăn ngon. Có một đặc điểm không được bằng mẹ là giao tiếp. Mẹ mình vui tính, hài hước, mạnh mẽ và rất hào phóng, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác khi cần. Mẹ là linh hồn của các cuộc hội họp chòm xóm. Vắng mẹ là tiếng cười đùa giảm đi một nửa. Khi nào mẹ cũng có thể sáng tác ra những câu chuyện rất hài, khiến ai cũng phải buồn cười. Nhưng mẹ không nấu ăn ngon, không tinh tế như bố. Mẹ nguyên tắc, uy nghi và hơi tàn bạo, giống như một vị tướng trong nhà. Người xử lý các con luôn là mẹ, bố thì chưa bao giờ cầm roi đánh, nhường mẹ toàn quyền việc xử lý này. Vì thế nhà tôi không đứa nào sợ bố, sợ mẹ một phép. 

Hai tính cách ấy, thế mà vẫn ở được với nhau tới giờ. Thật là lạ lùng quá! 

Hiện giờ chúng tôi mỗi người đều đã có gia đình riêng, ở độc lập với cha mẹ. Chỉ còn duy nhất tôi - tôi chưa lấy chồng, mà thực sự đối với tôi việc lấy chồng không phải là mục đích tối thượng, tôi luôn có niềm tin về việc sống độc lập của người phụ nữ, và tôi cũng luôn tin rằng có lẽ là tình yêu xuyên kiếp của tôi vẫn tồn tại đâu đó, hoặc có thể chưa đầu thai trở lại, nếu không kịp gặp nhau trong kiếp này thì hẹn kiếp khác gặp nhau. Trong quá trình tôi chờ đợi, tôi phải học tập và hoàn thiện mình, tôi phải sống thật vui tươi, không vì cuộc sống đơn độc mà bỏ quên mục đích của đời mình. Suy nghĩ của tôi cũng được khá nhiều người đồng tình, vậy mà bố tôi lại không nghĩ thế! Ông buồn mà không nói với tôi. Tôi phải làm sao để ông hiểu nhỉ?

Báo hiếu mẹ cha, phải chăng là cố tìm một mảnh để ghép với mình? Để rồi có thể dở dang?

Chuyện này, có lẽ là tôi không thể. bởi tôi là một thực thể, đủ mạnh mẽ, đủ trí tuệ và đủ tự tin để có thể sống một cuộc sống đơn thân. Hay nói một cách chính xác hơn, đó là tôi luôn yêu thương bản thân tôi, tôi trân trọng cảm xúc của tôi, tôi còn có cả tình thương đối với người đồng hành trong cuộc đời mình, tôi không muốn ai phải chịu đựng tôi, chấp nhận tôi như một trách nhiệm.

Điều tôi cần, có lẽ là ai cũng cần: Ấy là sống cho mình.

Sống cho mình, thực chất là sống cho cả người khác nữa, bởi nếu ta yêu ta, sẽ không khiến ta đau khổ, nếu ta không đau khổ chính là đã giúp người khác không đau khổ. Để trải nghiệm thêm về điều này mình sẽ viết tiếp chủ đề này!

Dù sao thì, xin lỗi Papa Mama, con sẽ chọn cách báo hiếu khác, cho đến khi con gặp được người con muốn cùng kết duyên.




Nov 6, 2014

CÂY HOA HỒNG MẤT TÍCH

Chuyện vòi nước còn chưa xong, thì gặp chuyện cây Hoa hồng nhung mới mua bị mất tích. Rõ là tối qua về vẫn còn thấy ở ngay ở hành lang, mình vốn đặt ở đó để hàng ngày được ngắm nhìn và ngửi mùi hương của nó cơ mà! Vậy mà mất tích rồi! Lòng không khỏi có chút buồn rầu. Nhưng học nhiều bài học rồi, tại sao cứ phải buồn vì những chuyện tất nhiên nó phải xảy ra như vậy? 

Tại sao mình nói là tất nhiên phải xảy ra? Bởi vì mình không cẩn thận, đặt cây ngoài hành lang, để nó ngoài phạm vi của mình, là không gian chung của tất cả các phòng cơ mà! trách ai được? Thứ nữa là cây hoa rất đẹp, hoa rất thơm. Ai nhìn cũng thích, cũng yêu. Nếu bản thân nó là thứ đẹp đẽ vậy, sẽ có rất nhiều người muốn có nó, chẳng phải mình cũng muốn có nên mới đem nó về hay sao? Người khác lấy là chuyện hết sức bình thường. Là lỗi tại mình chứ, sao có thể trách người khác tham lam? 

Nghĩ thế đấy! Và ung dung dắt xe đạp vào thang máy xuống nhà. Tới tầng 1, gặp bác bảo vệ, chào bác rất to và bảo: "Cháu vừa bị mất cây hoa hồng", cười tươi rồi đi tiếp. Ơ, hay thật, mất cây hoa hồng thì liên quan gì tới bác mà phải phân trần? Hóa ra trong lòng có phần nào hờn giận bác ấy, bác ấy là bảo vệ mà để trộm lên lấy mất cây hoa hồng của cháu, bác có phần trách nhiệm đấy nhé! Rõ là có tư tưởng đổ lỗi mà! 

Đi đến Bảo hiểm làm việc, phải ngồi chờ một lát, không vấn đề gì! Cũng tạm quên cây hoa hồng đi, nhưng không theo quyển sách nào để đọc cả, đành lôi điện thoại ra nghịch, xem lại ảnh, lại nhớ cây hoa hồng. Lại thắc mắc sao không lấy xe đạp của em hàng xóm, lấy giày của chị giáo viên, lại lấy cây hoa của mình, tên trộm này cũng thật lạ lùng! Nhưng nếu yêu hoa thế thì thôi cũng được, nhưng nhớ chăm cho cẩn thận, không biết chăm cây chết thì tiếc lắm, thấy thương cái cây mới đểu chứ! Hâm kinh khủng!

Rồi công việc cũng xong, về đến nhà bảo vệ, đi gặp anh Tổ trưởng để mượn kìm sửa vòi nước, vừa gặp đã lại bảo: "Anh ơi, em bị mất cây hoa hồng", anh bảo: "lại để ngoài hành lang phải không?". Đấy, không sao ngừng suy nghĩ về cây hoa hồng được, anh này, chính anh ấy luôn nhắc mình mang cây vào nhà, không để cây ngoài hành lang, chuyện mất của mình chẳng liên quan đến anh, nhưng mình vẫn nói với anh thế, một cách hết sức vô thức. Chỉ vì yêu quá mà thôi!

Xong chuyện với anh tổ trưởng, ra khỏi phòng bảo vệ, gặp ngay bác quét dọn vệ sinh, hỏi ngay: "Bác ơi, cháu bị mất cây hoa hồng, sáng nay bác dọn bác có nhìn thấy không?". Bác bảo: "Bác để ở hố rác ấy", "Oa oa, sao lại để ở hố rác ạ?", "Vì bác thấy để đấy mấy hôm rồi, bác mang vứt đi cho cháu". Mình không kịp nghĩ gì, chỉ thấy người lâng lâng, cảm giác hết sức sung sướng (tham sân si cứ gọi là...); chạy ngay ra hố rác, bác gọi với theo: "Đâu, bác để ở chỗ vứt rác tầng 7 đấy, bác chưa kịp vứt đâu". Mình dắt ngay xe vào thang máy lên tầng 7, quẳng xe ở lại, lao vù xuống chỗ vứt rác cứu em hoa hồng, em vẫn nguyên xi, nguyên vẹn và nở bông to đùng, vẫn thơm lắm, không bị ô uế bởi rác tí nào. Mình bế em lên, đặt lại đúng chỗ đã để của ngày hôm trước, cảm thấy mãn nguyện vô cùng! Sự yêu nó thế đấy, làm che mờ của minh triết, cảm xúc dội lên đầu tiên, quên hết quy tắc luật lệ và những bài học. Rõ vui! 

Giờ ngồi viết lại, mới ngộ ra rằng, đôi khi người yêu quý mình chưa chắc đã làm những việc tốt cho mình như mong đợi của mình. Ví dụ như bác vệ sinh, bác ấy quý mình, chắc chắn luôn vì mình lúc nào cũng nhanh nhẩu, chào hỏi và tặng bác ấy quà, khi thì là giấy, khi thì là túi nilon, khi thì là đồ ăn. Là những thứ mình không cần nữa, nhưng có ích cho bác ấy! Hôm nay bác thấy cây hồng, bác tưởng mình bỏ đi nên đã dọn đi giúp mình (mục đích và hành động của bác đều tốt), nhưng lại khiến mình buồn (vì thương nhớ hoa hồng nên suy diễn ra rất nhiều điều thứ lăng nhăng như trên đã nói, sau khi biết sự thật rồi thì thấy thật vô nghĩa).

Qua việc này, rõ ràng mình thấy mỗi người đều nhìn sự vật hiện tượng theo cách của họ, dù đối với bạn là họ sai thì đối với chính bản thân họ, họ lại thấy đúng. Như vậy, dù một câu chuyện nhỏ, nhưng góc nhìn của chúng ta luôn ở không gian 2 chiều, chúng ta không thể đứng trên cao nhìn xuống hoặc chui xuống đất nhìn lên để thấu suốt mọi chuyện. Trong Đạo Phật có nói đến 10 phương 8 hướng, vậy sao có thể phân thân để nhìn đủ được cần ấy góc cạnh? Điều đó là không thể đối với người trần mắt thịt, vậy hãy cố gắng đừng suy diễn, sự được mất đôi khi nó chỉ là dấu hiệu đến để chỉ cho bạn những bài học cuộc sống mà thôi.

Nói thế chứ, mình vẫn yêu Hoa hồng nhung, mùi hương của nó mới thực sự dịu ngọt làm sao! :)

CHUYỆN CÁI VÒI NƯỚC

Ba ngày trước, khi quyết định dọn dẹp lại cho đồ đạc được ngăn nắp, bỏ bớt những vật dụng không cần thiết đi, mình đã đem một vài chiếc rổ ra ngoài ban công treo trên giá. Thật không may là chiếc rổ inox đã rơi và va phải chiếc vòi nước cũ, khiến nó bị nứt ra, nước phun rất mạnh. Mình giật mình hoảng hốt, nước xối xả phun ướt hết người, ban công lênh láng, hoảng nhất là nước bắn cả lên ổ điện, mình lập tức chạy vào nhà dập cầu dao điện. Chạy ra ban công rút dây điện máy giặt, chạy vào nhà tắm tắt vòi nước tổng. Như vậy là các bước thực hiện trong các tình huống khẩn cấp liên quan tới điện nước, cháy nổ vẫn chưa thực hiện thành thục và đúng để phòng tránh nguy hiểm. Vậy là sự học không áp dụng được đúng và đầy đủ! Thế mà kinh nghiệm nhiều năm đào tạo và học các khóa về an toàn vẫn công cốc, thế mới biết, lý thuyết dù đúng nhưng sẽ vô ích nếu không thực hành. Nếu có xảy ra lần nữa, mình sẽ thực hiện các bước như sau:

1. Dập cầu dao toàn bộ hệ thống điện;
2. Chạy vào khóa ngay van nước tổng;
3. Rút nguồn điện máy giặt. 
4. Lấy giẻ buộc chỗ vòi nước bị vỡ để nước không bắn, chảy ồ ạt khi mình cần mở van nước tổng để lấy nước dùng. 
5. Nhà luôn luôn chuẩn bị sẵn một số dụng cụ cần thiết như băng dính keo, búa, tô vít, kìm, kéo và dây buộc đề phòng đồ đạc hỏng có thể tự sơ cứu nhỏ. 

Nhưng chuyện không chỉ có thế, chuyện sẽ kết thúc nếu có một anh thợ nào đó đến sửa chữa vòi nước. Trước đây, nói đến đồ điện, đến nước nôi... những thứ thuộc về đàn ông mình đều không làm, cứ mặc nhiên coi như là việc của họ, mình không để tâm bao giờ. 

Nhưng hình như là ông trời cố tình sắp xếp để mình không được nhờ ai vậy! Người đã nhờ được, thậm chí các anh còn rất hào hứng ra tay giúp đỡ, nhưng ngày nào mình cũng có việc về muộn, phải đến 10h đêm mới về đến nhà. Lúc đó làm gì có ai đến mà sửa cho mình chứ? Sau 2 ngày, mình quyết định tự sửa, với một tâm trạng phấn chấn lạ lùng! 

Khi tới phòng trực bảo vệ hỏi mượn kìm chết, các anh cười và không tin mình có thể làm được. Mình bảo, nếu không làm được thì em sẽ xuống nhờ các anh, có sao đâu, các anh cứ cho em mượn đi! Thế là có kìm chết để dùng thật, và cuối cùng thì sau một hồi loay hoay, mình cũng chữa xong cái vòi nước. Công phu ghê gớm!

Và thực sự, mình nghĩ rằng nếu thực sự bạn nghĩ bạn làm được, bạn hãy thử đi, bạn sẽ biết bạn sẽ làm được ở mức độ nào! Nên thử những thứ mình muốn làm, và cần phải làm, để tránh việc bạn phải phụ thuộc và chờ đợi ai đó giúp đỡ mình, khá mất thời gian của bạn, thậm chí là mất đi cả cơ hội để bạn khám phá ra khả năng của mình. Bài học này mình học được học ở lớp Quý Trọng Bản thân, từ câu chuyện về mẹ của chị Thùy vá săm xe đạp cho chị ấy. Trong khóa học này có nội dung phân loại 8 dạng thông minh cơ bản của con người, dù biết phương pháp này đã lâu, nhưng hôm đó học lại, mình thấy mình đã có sự chuyển biến khá tích cực sang các dạng khác. Nếu trước đây, mình thấy các khả năng sau nổi trội như: âm nhạc, nội tâm, ngôn ngữ, tự nhiên. Thì nay, mình đã hướng sang âm nhạc, nội tâm, ngôn ngữ, tự nhiên, không gian và vận động. Như vậy, kể từ khi "về hưu non", mình đã làm việc tay chân nhiều hơn rồi, vẽ vời nhiều hơn, lắp ghép, chế tác và sắp xếp sản phẩm nhiều hơn nên mấy phần này có vẻ tăng lên nhiều.

Thông minh thì thông minh chứ, kiểu gì cũng "không bằng tay quen"! :)