Apr 16, 2015

ĐẤT - TÔ HOÀI, CHUYỆN CŨ HÀ NỘI

Bây giờ đương thời buổi ni lông, đồ nhựa, thử xem lại cái thuở thịnh vượng tranh tre nứa lá thế nào.

Cũng mới hôm qua và quanh ta đây thôi, có ai rỗi rãi, cứ ra đứng chơi một lúc ở bờ hồ Gươm, thế nào cũng trông thấy bất chợt cái xe đạp thồ như cả đống rơm lù lù những ống đánh lươn, những cái lờ bẫy cá diếc – thì ra các thứ tre pheo, giang nứa nghìn đời vẫn ngổn nganh giữa thành phố đương vùn vụt lên những tòa nhà tầng tân kỳ.

Không kể tủ chè sập gụ, cột lim cánh phản gỗ nghiến, mà chỉ nói đến đất và đất nung, đã lắm thứ. Cũng chưa phải thứ đất kén chọn làm nên cái bát, lọ độc bình như các lò ở Bát Tràng mà mới chỉ kể đến đất thó, đất sét thô sơ thôi.

Đất đã hầu hạ con người. Từ dưới bếp ra ngoài sân, la liệt các thứ làm bằng đất. Nhưng không phải đất bơ vơ đâu, đất đóng gạch, đất làm ngói cũng kén đất thó, đất mỡ gà, không đào lung tung lấy cả đất bùn rác lên đóng gạch như bây giờ.

Đất sét, luyện cho quánh đem ra đặt trên bàn xoay. Chân đạp đòn xoay, hai tay khéo léo xoa nặn cục đất ra hình thù các đồ dùng. 

Đủ kiểu nồi to nhỏ, nồi nấu cơm, nấu canh, kho cá, chõ đồ xôi, nồi nấu nước có vòi, có nắp, ấm nước. Ở trong Nam, cái tĩnh nước mắm, cái tộ kho cá, cái tay cầm xào thịt. Lại những đồ thô; chĩnh đựng gạo, cái vại nước dưới gốc cau hứng nước mưa tinh khiết làm nước cúng. Góc kia, cái chum nhỏ đội nón đựng nước tương đã lên mốc, sắp được ngả. Trong xó nhà, lỉnh kỉnh cái siêu thuốc, cái vò đựng hạt giống bầu bí. Ngoài hiên chậu đặt la liệt, cái để rửa bát, cái đựng bèo trộn cám lợn, những thứ này được nung kỹ mặt rắn như sành, khác với nồi đất mỏng dính, soi lên được, phải giữ gìn úp ngược vào cọc vách. Nồi đất dễ vỡ, ấy thế nhưng nồi đã rạn vẫn chưa vứt đi, mà để còn rang ngô, rang vừng. Dẫu sao, cũng là những thứ phải nung, già lửa hay non lửa. Còn có đất luyện rồi phơi nỏ. Như ông đầu rau trong bếp, hỏa lò nấu nước pha chè, cái lồng ấp bọc giẻ, thầy đồ ôm trong bụng tấm áo lương những ngày rét đại hàn.

Không chỉ đồ ăn thức đựng bếp núc, cả đồ chơi trẻ con cũng bằng đất phơi nắng. Sắp đến tết, trên chợ, các làng bán tranh gà Kim Hoàng màu vàng màu đỏ lòe loẹt bày bên con lợn tía, có khía trên mông làm cái ống để dành tiền, những ông phỗng mặt phệ trắng bệch, ngồi cười phơi cả rốn. Những con vịt làm tu huýt còi hoét hoe, hoét hoe đinh tai. Bằng đất cả đấy.

Chùm khánh và cá ngày tết treo trên cây nêu, đất nung già, màu sành lên nước da chu đỏ tía. Gió đánh cành nêu, những chiếc khánh, những cón cá va nhau lanh canh, leng keng tiếng vui mấy cả ngày tết.

Kể đến đất nặn làm được đồ chơi cũng chưa hết chuyện. Miền Phúc Yên, Vĩnh Yên, bên kia sông Hồng vốn nghề gạch ngói, chum chĩnh và tiểu sành áo bốc mộ.

Ông Cao Lỗ quê ở Chiêm Trạch thời hồng hoang vùng ấy đã mở nước giúp vua Thục đánh giặc rồi đến đào đất đắp thành Cổ Loa được tôn làm ông đô Nồi làm thần hoàng nhiều làng đến tận bây giờ. Ở đấy, đất còn để làm thuốc. Các chợ ở Phúc Yên, vào mùa đông, các bà bán thuốc ở Kẻ Rảy, bên thúng những lá cao và mật ong, còn bày một mẹt những miếng đất mỏng màu đỏ bồ hóng bằng đốt tay gọi là bánh ngói. Đàn bà mới ở cữ, phòng bệnh hậu sản, tìm ăn bánh ngói. Trẻ con đi chợ, bà mua bánh ngói cho, bảo rằng ăn quà bánh ngói thì giun, sán trong bụng ra hết. Bánh ngói là đất nặn cắt lửng miếng đem hun khói.

Bây giờ, khi ta có những hòn ngói lợp mái bằng xi măng, bằng chất dẻo, hãy nhớ đất với người đã từng thân thiết nhường nào.