Aug 8, 2015

TỪ TỐT ĐẾN VĨ ĐẠI

Xuất phát từ cuốn sách Từ Tốt đến vĩ đại của Jim Collins, ngày hôm qua: 8/8/2015 đã được Dr Pete Ooi đến từ Malaysia chia sẻ (xem thông tin về Dr Pete Ooi: http://www.sri.vn/pete-ooi.html). Tham dự chương trình chủ yếu là các anh chị đang làm việc trong lĩnh vực nhân sự hoặc quản lý, lãnh đạo của các doanh nghiệp bao gồm: ngân hàng, thép, IT, dåược phẩm, xây dựng... có một mình mình làm về trang sức thôi, kể ra thì cũng hiếm hoặc là các chú rất bận bịu không có thì giờ mà ộp lai! :))

Mình noted lại một số thông tin còn nhớ, dạo này trí não không còn linh hoạt như xưa nữa, chỉ còn nhớ ngắn hạn nên sợ quên, phải chép ra đây:

1. Giới thiệu về công trình nghiên cứu 6 năm để thu thập dữ liệu viết sách
2. Lãnh đạo và Quản lý khác nhau thế nào? (Leaders: creates values; Manager: manages the resources). 
3. Lãnh đạo cấp độ 5 là gì?
4. Các mô hình quản lý, lãnh đạo
5. Kinh nghiệm áp dụng thực tế

Các kinh nghiệm cho thấy, để gây dựng và phát triển công ty từ tốt đến vĩ đại cần đảm bảo 3 yếu tố sau:
1. Con người kỷ luật
2. Suy nghĩ kỷ luật
3. Hành động kỷ luật

Để thực hiện 3 điều này, cần đáp ứng các tiêu chí và hành động bao gồm trong công thức: KSAH (knowledge, Skill, Attitude, Habit). Trong đó, đề cao vấn đề xây dựng văn hoá doanh nghiệp, văn hoá doanh nghiệp làm sao phải phù hơp với tầm nhìn, sứ mệnh (Vision và Mission) của doanh nghiệp. Lấy ví dụ Google luôn đáp ứng nhu cầu ăn uống, giải trí, nghỉ ngơi cho người lao động một cách "rộng rãi", chính là từ cái rộng rãi, hào phóng đó (môi trường làm việc sáng tạo, gần gũi tự nhiên, thoải mái, tiện nghi, chế độ nghỉ ngơi 30% freetime, free lunch...) đều để sao cho người lao động có một hiệu suất "não sáng tạo" mạnh nhất, hiệu quả nhất, đem lại những sản phẩm trí tuệ và tiện ích cho người dùng internet toàn thế giới. 

Để tạo dựng văn hoá doanh nghiệp, thầy lấy ví dụ về quy trình rửa tay, từ đó đưa ra các bước bao gồm:
Mục tiêu là Rửa tay sạch ---> Soạn thảo Quy trình, quy chế về rửa tay ---> Training ---> Áp dụng, duy trì ---> Thói quen.

Ở đây từ văn hoá được định nghĩa hết sức đơn giản, đó là thói quen hành vi ứng xử hàng ngày của từ 2 người trở lên. Văn hoá không có tốt, xấu, không có cái gọi là "phi văn hoá". Chuông Gió nghĩ đơn giản là việc xỏ lỗ tai, hay cà răng; thậm chí tục tảo hôn hoặc mẫu hệ... đối với người trong cộng đồng đó, hành vi đó là tốt, ai không tuân thủ thì được cho là đi ngược lại thói quen của cộng đồng (thói quen ấy là văn hoá). Văn hoá mang tính chất đám đông rất nhiều, do vậy doanh nghiệp muốn xây dựng văn hoá, trước hết hãy xây dựng thói quen cho người lao động, sao cho thói quen đó phù hợp với slogan của doanh nghiệp, cao hơn là ở mức tầm nhìn, sứ mệnh doanh nghiệp hay tầm nhìn quốc gia khỉ gió gì đó, nói chung là cái tốt nhất, lạ nhất, khác biệt nhất mà BẠN có thể đem đến lợi ích cho cộng đồng, xã hội thì hãy xâu chuỗi nó vào để đưa ra thành quy định cho bất cứ ai muốn gia nhập vào cộng đồng đó của bạn, để người ta học và làm nó  như một thói quen, tạo thành khối thống nhất, đưa công ty của bạn đến thành công và trường tồn (nếu có thể). Chỗ này Chuông hơi lạm bàn ngoài lề tí, nhưng nhân tiện thì nói luôn cho đỡ quên. 

Để tạo thói quen cho người lao động theo cách trên là một điều cực kỳ khó khăn đối với bất kỳ ai hay bất kỳ doanh nghiệp nào, nhất là đối với các công ty có quy mô lớn. Tuy nhiên, để việc đó được triển khai một cách bài bản, có thời hạn, thực tế và hiệu quả, bạn cần xây dựng một thứ gọi là SOP (Standard Operating Procedure). Trong cái SOP này có rất nhiều điều để nói, có bạn bảo giả sử bây giờ các chú bên FPT không cho ngủ trưa, liệu có phải là phản văn hoá ngủ trưa của một đất nước khí hậu gió mùa, đi làm nửa ngày đã mệt bỏ mịa, mệt hơn các chú phương Tây nhiều, như thế có phản khoa học không? Có anh bảo: phản gì mà phản, công ty bận chết lên được, giờ đó đang phải họp online với các bạn Tây (vì toàn làm outsource với lại đánh thuê)... không làm thì cạp đất mà ăn à mà còn ngủ trưa??? Ha ha, mình viết vui thế thôi chứ các anh chị thảo luận nghiêm túc hơn nhiều, mà ý tứ thì thế thôi! :))) 
Ở đây, chúng ta cần xác định thế này, trước hết làm gì thì làm, muốn làm giời làm biển gì cũng được, nhưng mà cho hết nó vào SOP, tức là phải có kỷ luật (ăn, ngủ, ị, tè, nói chuyện, ngủ trưa, free 30% time nghỉ theo mùa hay làm đêm, ngủ ngày... gì cũng được tất) nhưng phải theo SOP của Công ty. Cái SOP có thể coi như 1 cuốn sổ tay hoặc hình thức quái nào chả được, miễn là người lao động được phép biết mình được làm gì trong khuôn khổ nào. Mình rất thích cái ý tưởng của bên Sơn Vĩnh Tường chỗ Phan Sơn, như này: 





Nguồn: 
https://www.facebook.com/photo.phpfbid=10207488786160483&set=pcb.10207488792640645&type=1&theater

Vậy, quan trọng là gì? đó là bạn phải làm sao để thay đổi suy nghĩ của người lao động, sao cho họ sánh bước cùng với bạn trên con đường phát triển doanh nghiệp mà không lệch lạc, sao cho người lao động có thể thẩm thấu được cái gọi là passionate đối với công việc. Tất tần tật, hãy đưa nó vào văn hoá doanh nghiệp, để đảm bảo hệ thống văn hoá này được vận hành, thiết yếu phải tổ chức đào tạo và duy trì. Việc đào tạo là vô cùng quan trọng, các bạn làm chủ doanh nghiệp hãy luôn nhớ đến điều này để có sự đầu tư thích đáng cho việc đào tạo nhân sự.

Có một điều khá gây chú ý đối với Chuông Gió, đó là vấn đề thương hiệu cá nhân hay thương hiệu công ty? 
Để có công ty tốt hãy xây dựng thương hiệu cá nhân. 
Để có công ty vĩ đại, hãy xây dựng thương hiệu công ty. 
Theo như nghiên cứu chỉ ra, thì các nhà lãnh đạo tầm cao, đa số đều thích ẩn mình, họ ít thể hiện, đa số người ta biết nhiều đến công ty. Họ dành tâm huyết để xây dựng công ty và thương hiệu công ty, để khi họ không còn nữa, công ty đó vẫn được hoạt động và điều hành một cách trơn tru, hiệu quả. Chuông thì chẳng thuộc loại nào trong hai loại này, nói chung sống theo cách mình muốn, trên FB hay mạng xã hội, có chia sẻ thì đa số là đi chơi, ăn uống, sách vở, hoa hoét, rất ít nhắc đến công việc. Có khi đây là bài viết đầu tiên liên quan tới chuyên ngành HR :))). 

Tạm thế! Còn vài điều nữa, hôm nào có thời gian đọc lại cuốn Từ Tốt đến Vĩ đại sẽ review thêm.

Các bạn có thể đọc cuốn sách này online tại đây:

http://lamgiau247.com/tu-tot-den-vi-dai/