Feb 29, 2016

TỚ HỌC VẼ GRAPHIC

Giờ học xong rồi, ngồi nhớ lại, thấy bồi hồi ghê. Lúc ấy như nào nhỉ? Đang ngồi lướt facebook thì thấy hiện ra thông tin khoá học, ngay lập tức reo lên: "A, cái mình cần đây rồi, tìm mãi cũng thấy, mong mãi cũng có!". Rồi không cần suy nghĩ thêm nhiều, mình theo đường link vào đăng ký đi học luôn. Đăng ký xong còn lo là không còn chỗ cho mình nữa chứ, vì nội dung khoá học hấp dẫn thế kia cơ mà. Nhưng may mắn thay, mình được "ưu tiên" vì là học viên của Life School nên được "giữ chỗ". Nghe buồn cười không? nhưng mình nói thật đó. Kể cũng hơi buồn cười nhỉ? :)

Ngày đầu tiên đến lớp, lớp không đông như mình tưởng. Mình tưởng là ai cũng cần thứ này giống mình, ai cũng mong muốn học được phương pháp tư duy và sử dụng hình ảnh để trình bày vấn đề thay vì slide ppt, hay là kiểu viết bảng, ghi chép truyền thống... Hơi ngỡ ngàng một tí, nhưng mà ngay sau khi gặp thầy giáo và cùng các bạn học viên tham gia màn "check in" mình đã hiểu ra: hoá ra thầy lần đầu sang Việt Nam, và đây cũng là khoá học về Graphic Facilitation (Điều phối bằng hình vẽ) lần đầu tiên được thầy giảng dạy tại Việt Nam. Vinh dự quá khi là học viên khoá đầu, thấy mình cũng có tí "thức thời", theo kịp thông tin cùng các bạn, thấy mình trẻ hẳn ra cơ nhá! ha ha. 

Lớp mình học các bạn ấy thân thiện lắm, thầy giáo thì vừa hiền lành, vừa dễ thương, ngọt ngào, quan tâm tới học viên cứ như đã quen biết từ lâu lắm rồi. Thế cho nên, không khí lớp học đã nhanh chóng trở lên ấm áp, sôi động. Mỗi thành viên trước khi đến đây đều cảm thấy sợ vẽ, các bạn ấy cũng như mình, rất lo lắng không biết rồi mình sẽ học hành thế nào đây? Có bạn đến học vì mong muốn cải thiện khả năng trình bày trước đám đông, có bạn lại mong muốn có thể dùng hình ảnh để cùng vui chơi với con, cùng học với con, có bạn lại đến học để giải đáp thắc mắc vì sao bố mình, em trai mình rất có năng khiếu môn vẽ, còn mình lại không, có bạn đơn giản chỉ muốn khám phá bản thân, thả lỏng bản thân để có thể vượt qua được chính mình. Mình cũng thế, sau khi nghe các bạn chia sẻ, mình thấy hình ảnh của chính mình trong từng chia sẻ ấy, và mình nhận ra rằng hoá ra ai cũng đều có những lý do riêng của mình. 

Những nét vẽ ngây ngô trong phần giới thiệu bản thân: 









Tuy nhiên, đến khi thầy giáo bắt đầu đưa mọi người đến khám phá từng phần môn học, mọi thứ đã được mở ra, thật thú vị mà lại gần gũi. Những hình vẽ đầu tiên được thể hiện trên từng trang giấy, những chiếc bút dạ màu được bày ra, các ý tưởng được kết nối và thể hiện qua từng bước vẽ. Vẽ xong, mình cũng phải thốt lên ngạc nhiên là tại sao mình lại có thể làm được việc này, tại sao nó đơn giản đến vậy mà mình luôn không biết tới nó, thực hành nó và biến nó thành của mình? 








Bạn sẽ làm được tất cả những điều đó, cho dù bạn chưa bao giờ vẽ, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ cầm bút vẽ, hay thậm chí chưa bao giờ nghĩ mình sẽ vẽ. Đó hoàn toàn là do mình tự giới hạn bản thân thôi. Đến gặp Narayan hay bất cứ người bạn nào đã từng học Graphic Facilitation tại lớp của mình, các bạn ấy sẽ chỉ cho bạn cách mà bạn có thể vẽ và sử dụng hình ảnh để chia sẻ về mơ ước, về dự án bạn đang ấp ủ, về môn học, về ghi chú khi họp hành, về sở thích hay thậm chí dùng những hình ảnh đó để "tán tỉnh", "cưa đổ" một ai đó cũng được. Mình cá là nếu ai đó nhận được "lời tỏ tình dễ thương" qua chính những hình bạn vẽ như vậy, hẳn sẽ động lòng lắm lắm! :)




Học xong, giờ mình đã tự tin cầm bút vẽ rồi đấy. Dù rằng bản vẽ của mình trông rất "ngây ngô" nhưng mà đã hơn đứt lúc chưa học rồi. Mình hứa sẽ cố gắng chăm chỉ luyện tập để có thể có những bức vẽ hoàn thiện hơn, có thể thể hiện được tốt ý tưởng của mình trên từng trang giấy. Thay vì ngồi làm thật nhiều slide, mình sẽ ngồi vẽ, bởi vì lúc vẽ mình có cảm giác khác lắm, kiểu như mình là siêu nhân ý, biết vẽ rồi cơ! Ngạc nhiên chưa? :))) 

Và đây là thành quả của các nhóm: 

Bạn Sơn với ý tưởng lập dự án Giao tiếp Phi bạo lực với không gian tràn ngập âm nhạc. 


Bạn Trà lấy ý tưởng từ cuốn truyện Totto Chan - cô bé ngồi bên cửa sổ để gửi đến một bức vẽ về Ngôi trường mơ ước. 



Và bạn Chuông Gió thì đang hớn hở chụp ảnh cùng với Thầy giáo Narayan đẹp trai. 


Và cuối cùng là chụp ảnh chung với cả nhóm. 


Khoá học đã kết thúc rồi mà cảm giác lâng lâng vẫn cứ tràn ngập mãi chưa thôi. Lần đầu tiên mình viết cảm nhận về khoá học mà viết xong rồi vẫn cứ ngỡ như đang ngồi học đấy! Căn bản là do thích quá mà! :)) 

Feb 28, 2016

ĐƠN GIẢN HOÁ CUỘC SỐNG /How to Simplify your life

Bí quyết đơn giản hoá cuộc sống - Tác giả: Werner Tiki Kustenmacher và Lothar J.Seiwert. 

#1 CON ĐƯỜNG ĐƠN GIẢN HOÁ

Để bắt đầu đi vào việc Đơn giản hoá này, trước tiên bạn hãy tự trả lời câu hỏi: "Vì sao tôi muốn đơn giản hoá cuộc sống? đơn giản hoá có ý nghĩa gì đối với tôi?". 

"Sự đơn giản hoá trái ngược với đòi hỏi, nó mang tính tích cực và là một khả năng mà bạn đã có từ lâu. Bản chất con người là một thực thể đơn giản". "Dạng thức cơ bản nhất của sự đơn giản chính là chỉ đơn thuần tồn tai mà thôi". 

Với vài trích dẫn ở đầu chương 1, mình đã thấy quá cần thiết, quá hợp lý, quá phù hợp với bản thân mình. Giờ ăn không nhiều, ngủ đủ, làm việc bình thường, chơi là chính (cuộc sống hoang dã thì đa số các loài thú đều vờn nhau là chính, lang thang ngắm sông núi nước non thôi chứ giờ rình mồi chắc chỉ chiếm vừa phải. Nghe câu "Dạng thức cơ bản nhất của sự đơn giản chính là chỉ đơn thuần tồn tại mà thôi" trí lý quá trời. Mình cũng chỉ mong mình đơn thuần là tồn tại, tồn tại một cách tự nhiên, không vướng bận và cũng không mắc bệnh tâm thần để ra ngoài ị bậy, tè bậy và chửi bậy là được :))). Nếu mà làm thế thì lại phá vỡ sự tồn tại một cách đơn thuần của người khác, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người thân, bạn bè, quả thực lại không phù hợp với một lối sống đơn giản rồi. 

Moi người sẽ rất ngạc nhiên, khi nhận ra rằng: hoá ra con người ta tìm mọi cách, nghiên cứu đủ thứ trên đời chỉ là để có cảm giác được giải phóng sức lao động, có sự thảnh thơi để nghỉ ngơi. Nào là máy móc, công nghệ, máy bay, tàu hoả, nồi cơm... Nhưng hoá ra, khi chất nó vào nhà, thì ngay lập tức biến ngôi nhà trở thành một nhà kho chứa đầy vũ khí nguy hiểm, có những thứ rất gây tổn hại đến sức khoẻ như các thiết bị điện tử từ tivi, lò vi sóng, bếp từ đến máy xay hoa quả... Thế vậy mà khoa học cứ nghiễm nhiên được mọi người đón nhận, thậm chí tôn sùng những trang thiết bị điện tử, cứ tưởng là mình được giải phóng sức lao động, ai ngờ mình lao ra ngoài kiếm tiền hùng hục, rồi lại đốt tiền vào lò vi sóng, điện thoại, bếp từ, tủ lạnh, tivi... Chính là mỡ mình rán chính mình, có phải không? Thế có phải là "Khát vọng về sự đơn giản đã bị biến thành một quá trình gia tăng sự phức tạp" hay không? 

Con đường đơn giản hoá cuộc sống được đặt trên chính nền tảng của sự phức tạp mà chúng ta đang trải qua. Nó sử dụng chính những kinh nghiệm và những lỗi lầm mà mình đã mắc phải. 

Đơn giản hoá là một quá trình bạn cần được thích ứng từ bên trong hướng ra bên ngoài. Nội tâm của bạn phải được trang bị và các hành động bên ngoài phải phù hợp với những gì nội tâm mong muốn bạn thực hiện. Như vậy, tiến trình đơn giản hoá sẽ đồng hành cùng bạn bắt đầu từ chiếc bàn làm việc, từ việc tổ chức thời gian, không gian sống, tới các mối quan hệ cá nhân. Khi tất cả các hành động được đồng nhất cùng suy nghĩ, cơ thể bạn sẽ thích ứng dần với nó về cả mặt thể chất lẫn tinh thần, từ cảm xúc đến lý trí. 

Trong cuốn sách, tác giả sắp xếp mô hình sống theo KIM TỰ THÁP 7 TẦNG. Ở mỗi tầng là một kho tàng đang chờ bạn tới sắp xếp lại, đơn giản hoá nó và hoà hợp với nó. 

Tầng 1: Các vật dụng
Tầng 2: Tình hình tài chính
Tầng 3: Thời gian
Tầng 4: Sức khoẻ
Tầng 5: Các mối quan hệ
Tầng 6: Đời sống lứa đôi
Tầng 7: Bản thân bạn

Với mỗi chương, sẽ tương ứng với một đêm ngủ và mơ, cách viết của tác giả rất lôi cuốn, khiến người ta có thể có những trải nghiệm hết sức thú vị và có hứng thú mong muốn được thực hiện việc đơn giản hoá cuộc sống ngay và luôn. Nhưng đâu có dễ thế, để thực hiện điều này, đòi hỏi khá nhiều sự tích cực và động lực, nó là bỏ đi những thói quen gây mất thời gian và lãng phí nguồn lực của mình rất nhiều. Bỏ đi một thói quen, thực sự đâu có dễ dàng gì! 

/Hết phần 1/