Apr 16, 2015

ĐẤT - TÔ HOÀI, CHUYỆN CŨ HÀ NỘI

Bây giờ đương thời buổi ni lông, đồ nhựa, thử xem lại cái thuở thịnh vượng tranh tre nứa lá thế nào.

Cũng mới hôm qua và quanh ta đây thôi, có ai rỗi rãi, cứ ra đứng chơi một lúc ở bờ hồ Gươm, thế nào cũng trông thấy bất chợt cái xe đạp thồ như cả đống rơm lù lù những ống đánh lươn, những cái lờ bẫy cá diếc – thì ra các thứ tre pheo, giang nứa nghìn đời vẫn ngổn nganh giữa thành phố đương vùn vụt lên những tòa nhà tầng tân kỳ.

Không kể tủ chè sập gụ, cột lim cánh phản gỗ nghiến, mà chỉ nói đến đất và đất nung, đã lắm thứ. Cũng chưa phải thứ đất kén chọn làm nên cái bát, lọ độc bình như các lò ở Bát Tràng mà mới chỉ kể đến đất thó, đất sét thô sơ thôi.

Đất đã hầu hạ con người. Từ dưới bếp ra ngoài sân, la liệt các thứ làm bằng đất. Nhưng không phải đất bơ vơ đâu, đất đóng gạch, đất làm ngói cũng kén đất thó, đất mỡ gà, không đào lung tung lấy cả đất bùn rác lên đóng gạch như bây giờ.

Đất sét, luyện cho quánh đem ra đặt trên bàn xoay. Chân đạp đòn xoay, hai tay khéo léo xoa nặn cục đất ra hình thù các đồ dùng. 

Đủ kiểu nồi to nhỏ, nồi nấu cơm, nấu canh, kho cá, chõ đồ xôi, nồi nấu nước có vòi, có nắp, ấm nước. Ở trong Nam, cái tĩnh nước mắm, cái tộ kho cá, cái tay cầm xào thịt. Lại những đồ thô; chĩnh đựng gạo, cái vại nước dưới gốc cau hứng nước mưa tinh khiết làm nước cúng. Góc kia, cái chum nhỏ đội nón đựng nước tương đã lên mốc, sắp được ngả. Trong xó nhà, lỉnh kỉnh cái siêu thuốc, cái vò đựng hạt giống bầu bí. Ngoài hiên chậu đặt la liệt, cái để rửa bát, cái đựng bèo trộn cám lợn, những thứ này được nung kỹ mặt rắn như sành, khác với nồi đất mỏng dính, soi lên được, phải giữ gìn úp ngược vào cọc vách. Nồi đất dễ vỡ, ấy thế nhưng nồi đã rạn vẫn chưa vứt đi, mà để còn rang ngô, rang vừng. Dẫu sao, cũng là những thứ phải nung, già lửa hay non lửa. Còn có đất luyện rồi phơi nỏ. Như ông đầu rau trong bếp, hỏa lò nấu nước pha chè, cái lồng ấp bọc giẻ, thầy đồ ôm trong bụng tấm áo lương những ngày rét đại hàn.

Không chỉ đồ ăn thức đựng bếp núc, cả đồ chơi trẻ con cũng bằng đất phơi nắng. Sắp đến tết, trên chợ, các làng bán tranh gà Kim Hoàng màu vàng màu đỏ lòe loẹt bày bên con lợn tía, có khía trên mông làm cái ống để dành tiền, những ông phỗng mặt phệ trắng bệch, ngồi cười phơi cả rốn. Những con vịt làm tu huýt còi hoét hoe, hoét hoe đinh tai. Bằng đất cả đấy.

Chùm khánh và cá ngày tết treo trên cây nêu, đất nung già, màu sành lên nước da chu đỏ tía. Gió đánh cành nêu, những chiếc khánh, những cón cá va nhau lanh canh, leng keng tiếng vui mấy cả ngày tết.

Kể đến đất nặn làm được đồ chơi cũng chưa hết chuyện. Miền Phúc Yên, Vĩnh Yên, bên kia sông Hồng vốn nghề gạch ngói, chum chĩnh và tiểu sành áo bốc mộ.

Ông Cao Lỗ quê ở Chiêm Trạch thời hồng hoang vùng ấy đã mở nước giúp vua Thục đánh giặc rồi đến đào đất đắp thành Cổ Loa được tôn làm ông đô Nồi làm thần hoàng nhiều làng đến tận bây giờ. Ở đấy, đất còn để làm thuốc. Các chợ ở Phúc Yên, vào mùa đông, các bà bán thuốc ở Kẻ Rảy, bên thúng những lá cao và mật ong, còn bày một mẹt những miếng đất mỏng màu đỏ bồ hóng bằng đốt tay gọi là bánh ngói. Đàn bà mới ở cữ, phòng bệnh hậu sản, tìm ăn bánh ngói. Trẻ con đi chợ, bà mua bánh ngói cho, bảo rằng ăn quà bánh ngói thì giun, sán trong bụng ra hết. Bánh ngói là đất nặn cắt lửng miếng đem hun khói.

Bây giờ, khi ta có những hòn ngói lợp mái bằng xi măng, bằng chất dẻo, hãy nhớ đất với người đã từng thân thiết nhường nào.

Apr 13, 2015

NGHÈO, ĐÓI VÀ SỰ NGU DỐT

Thực ra là phải viết ngược lại mới đúng: Sự ngu dốt - nghèo - đói.

Khi đến với những miền đất nghèo, cái đầu tiên tôi chú ý lúc nào cũng là những gì thuộc về tự nhiên. Vùng đất hôm nay tôi đến, là những mảng đồi núi trơ trọc, lơ thơ một vài cây cao. Thầy giáo đưa tôi đi nói, "Đi cả mấy quả núi này, chỉ còn có 1 cây gạo đường kính 1,2m, ngoài ra không còn cây to nữa, hết thịt rồi, giờ chỉ còn trơ xương thôi". 

Đi hết quả núi này, đến quả núi khác, đều một cảnh như nhau:


Đường đi khó, chỉ toàn đất đỏ bết dính và trơn trượt, nếu trời mưa thì các thầy  cô giáo phải đi bộ hoặc nếu có nhỡ đi xe đều phải tháo hết hơi và dắt bộ.




May mắn thay, tôi đi cùng với thầy giáo để lên chính điểm trường của thầy, nên thầy quen đường và dẫn đầu, để tôi có thể đến trước và quay lại chụp được cảnh các bạn hữu đi sau:


Trời hôm nay không nắng, mây đôi lúc lờ mờ, cây cối khẳng khiu, trơ lụi thế này: 




Đến hộ dân đầu tiên trong bản: 








Từ đây có thể nhìn thấy ngôi trường đầu tiên, tôi không thể tin vào mắt mình kia là một ngôi trường, thực ra đó là điểm trường, ở nơi này có một lớp học gồm 7 học sinh từ lớp 2 đến lớp 4, bên cạnh là một lớp mầm non. 


Tên điểm trường:



Toàn cảnh điểm trường:



Đây là khu vực dự kiến làm phòng ở cho giáo viên, đã huy động dân bản đan vách và chuẩn bị trộn đất để chát tường nhưng do hoàn cảnh khó khăn quá nên đành gác lại lâu lâu: 




Bên trong lớp học:



 Chụp từ phía trên:



Tiếp tục dấn bước, phía trên bên phải là nhà của Trưởng bản, phía dưới bên trái là điểm trường số 1 vừa đi qua:



 Trên trường đi:



Đã đến điểm trường thứ 2:




Trong lớp học:



Phương tiện học tập:


Bên ngoài trường:





Nhà vệ sinh: 


Phòng ở giáo viên:




Bếp ăn giáo viên và học sinh:



Đồ chơi của các bé mầm non:










Thực sự, khi đến đây, chứng kiến tận mắt hoàn cảnh sống của người dân, và sự chia sẻ chân tình từ các thầy giáo dạy tại đây, tôi thực sự không biết phải bắt đầu như thế nào? Muốn giúp cũng không biết giúp thế nào cho tốt. Bởi thực sự, họ có rất ít ước mơ, trẻ em gần như không biết thế nào là ước mơ, ngoài việc mơ hàng ngày có cái ăn, quần áo có cũng chẳng buồn mặc, hầu như đứa trẻ con nào cũng cởi chuồng, chúng không có thói quen đi dép, mặc quần, rửa tay, rửa mặt. Hỏi vì sao không dạy chúng làm những việc đó, thầy bảo: "làm gì có nước đâu chị, đến nước ăn còn không có, muốn có nước uống phải xách bình đi lấy, lấy từng bình về uống thôi". Vì không có nước nên cũng chẳng có điện, vì không có nước nên cũng chẳng trồng rau được, có trồng hoa thì trẻ con cũng ra vặt chơi hết. 


Vậy người ta nghèo - đói bởi cái gì? Phải chăng là vì hoàn cảnh sống, hay vì chính sách của chính quyền, hay là vì chính bản thân người ta? Nơi đây, phương tiện liên lạc vẫn được sử dụng là đứng từ ngọn núi này, lấy tay bắc loa để thông báo họp bản. Cả bản, đi từ đỉnh núi này sang đỉnh núi kia mới có 1 cái nhà. Cả bản có 9 hộ, mà trưởng bản thì nghèo quá, phải đi xuống núi làm thuê, từ tết đến giờ không ở nhà, nên không có ai vận động dân cho con cái đi học, lớp học cứ bỏ không vậy.  


Đến lớp học, học sinh có hôm đến gọi thầy giáo: "Thầy giáo ơi, bố tao bảo mày xuống ăn cơm". Nghe kể chuyện mà cười như nắc nẻ, đúng là văn hóa của người ta, khó có thể ngày một ngày hai mà bỏ được. Nghĩ cũng thương các thầy cô giáo, đi thật xa vào bản dạy học, có hôm đến lớp không có học sinh, lại phải vào tận nhà hỏi thăm xem học sinh đi đâu, làm gì hoặc gia đình có chuyện gì không cho đi học. 












Loanh quanh thế mà đã qua mấy ngọn núi, thấy chỗ nào cũng giống chỗ nào, toàn trọc lóc. Bến dưới kia có một cái ao, người ta đã phải bán một con bò mới đủ tiền đào cái ao đó. Khu vực này, nghe nói đang xin chính quyền cho làm ruộng bậc thang để người dân định cư, không sống du canh du cư nữa:



Con đường quanh co bên sườn núi chính là con đường mình đi từ dưới núi lên, nhìn thế thôi chứ không chú ý là tay lái liệng ngay xuống núi. Có lẽ mình là người gan dạ hay là xế của mình cứng tay chứ các bạn xe khác về miêu tả lại cảm giác ghê lắm, không phải như mình vừa đi vừa chụp ảnh nhoanh nhoách đâu, những ảnh này đa số là ngồi sau xe bấm máy đấy!



Mà nói thật, giờ ngồi nhà rồi, vẫn tự hỏi: giả sử mình là người chính phủ, mình cũng chẳng biết nên đưa chính sách nuôi con gì, trồng cây gì ở đây, chỗ nào cũng chặt hết sạch gỗ rồi, đất đai giờ khô cằn, chả biết trồng gì cho ra kinh tế. À, thấy thấp thoáng đâu đó trồng cà phê với su su. Nhưng mà dân ở đây họ lười lắm, có cho vay vốn để xóa đói giảm nghèo thì họ cũng mang tiền về rồi cho vào ống bươm, nhét lên mái nhà hoặc gác bếp ấy. Có nhà thì mang đi uống rượu hết chứ chẳng biết mua gì mà nuôi, trồng gì mà ăn ngoài cây ngô, cây lúa. Nghe nói, bữa ăn của họ chỉ có cơm, ngô và nước lã, họ cũng không trồng rau để ăn đâu. 

Thật cũng nan giải nhỉ? Cứu người, giúp người, cũng phải nghĩ cách giúp cho lâu dài, có chiến lược hẳn hoi chứ, cứ mang tiền đến giúp được một lần hai lần là cùng, chứ làm sao mà cứu lâu dài được. Làm anh chính sách cũng vất vả thật nhỉ? Chẳng biết mấy anh làm bên ủy ban dân tộc miền núi họ làm thế nào? Chiến lược quốc gia đây, đau đầu quá! Cái này phải hỏi mấy anh thông minh và tỉnh táo chứ hỏi mình thì mình bó tay rồi, nếu cho mình đất, cùng lắm là mình trồng đào, trồng rau su su và nuôi lợn, nuôi gà thôi chứ chả biết làm gì hơn. Được cái mình cũng thuộc loại chăm chỉ và thực sự, mình chưa bao giờ muốn mình được liệt vào dạng người nghèo. Mình không đồng ý để mình nghèo đâu, nên dù trong hoàn cảnh nào chắc cũng phải làm việc thôi! :)

Trên đường về, nhân lúc đợi thầy hiệu trưởng đến, đứng ven đồng xem lúa: 


Niềm vui đi làm:



Thanh niên hoi đây, đang nịnh nó dạy mình chụp máy phim, thế nên bonus cho nó một cái ở dưới cùng.



Giờ thì chờ Quế cay gủi báo cáo cho Quan Lại, sau đó lên kế hoạch cho chuyến đi vào tháng sau. Chắc là sau đợt đi Thổ về sẽ quay lại đây, mà chắc gì đã đi được Thổ, visa còn chưa có kìa!

Tạm dừng, ngày 13/4/2015.


Apr 1, 2015

LÂM ĐẠI NGỌC - NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG TIỂU THUYẾT (PHẦN 3)

Nói đến Lâm Đại Ngọc, là người ta thường nghĩ ngay đến một cô gái mình hạc sương mai, tài sắc vẹn toàn nhưng cả đời chìm trong nước mắt – bể khổ của đời người.

Khi phân tích nhân vật Lâm Đại Ngọc, người ta phân tích trên nhiều góc độ. Đối với tôi, hôm nay tôi sẽ đề cập một chút về duyên tiền định của nhân vật này.

Tâm thế sinh vào cõi người: Cô ấy, trước vốn là một cái cây nhỏ, mọc bên tảng đá (Bảo Ngọc sau này). Sau sinh về cõi tiên, tuy vậy trong lòng lúc nào cũng đau đáu cảm động trước sự che chở nắng mưa, dồn sương tích khí của hòn đá bên cạnh cho mình, cho nên lúc nào cũng cảm thấy còn mắc nợ, muốn trả ơn cho hòn đá. Cây cỏ quyết xin được đầu thai xuống cõi người để đền ơn mưa móc, nguyện đem nước mắt cả đời mình đền đáp cho hòn đá. Từ tâm lý ấy mà khi sinh ra, Đại Ngọc đã là một cô gái mỏng manh, yếu đuối, chỉ chút xúc động đôi mắt đã tuôn châu chảy ngọc. Đã vậy, cô còn sinh ra trong cảnh thiếu sự chăm sóc của mẹ, xa cha từ sớm do Bà ngoại thương cháu mà đón về ở cùng tiện bề chăm sóc. Sau khi cha mất, cô về ở hẳn bên bà ngoại cùng các anh chị em bên ngoại.

Duyên định mệnh: Lâm Đại Ngọc vốn ở tiên thiên đã mong đáp đền mưa móc cho Giả Bảo Ngọc, cho nên, số phận thế nào cũng sắp xếp để họ gặp nhau. Đó là cái duyên, duyên tiền định, có chủ ý. Khi gặp Đại Ngọc, Bảo Ngọc đã thốt lên: “Người đâu mà quen quá!”. Là do họ đã có thời gian dài chung sống bên nhau, cái hồn cốt vẫn còn đó chỉ hình dáng là thay đổi. Quen là quen cái cảm giác, cái tình cảm, cái mơ hồ mà thực chất, còn hình dáng tuy nhìn thấy được nhưng chỉ là cái giả tạm, dễ đổi thay. Khi hai bên gặp nhau đã sớm có sự hòa quyện, đồng điệu về tâm hồn. Họ quấn quýt bên cạnh nhau, nhưng với bản tính của Đại Ngọc, cô lúc nào cũng cảm thấy sự thiếu thốn, buồn bã, ghen tuông và sầu khổ. Phần vì bản tính vốn yếu đuối, phần vì nghĩ mình chỉ là người ăn nhờ ở đậu, nên không lúc nào cô không khắc kỷ, tự dằn vặt mình. Khi Bảo Thoa xuất hiện – nhân vật đánh dấu sự khởi đầu cho những tổn thương tinh thần của Đại Ngọc. Là nhân tố hỗ trợ Lâm Đại Ngọc góp phần trả hết ân huệ của mình cho Giả Bảo Ngọc để sớm thoát khỏi cõi trần ai. Tuy vậy, chúng ta ít người để ý đến chi tiết này, đối với tôi, với tâm thế ban sơ khi đầu thai, Lâm Đại Ngọc chỉ muốn “đem hết nước mắt mà trả nợ người” đối với Bảo Ngọc, thì thực sự sự xuất hiện của Giả Bảo Thoa thực sự là một trợ duyên rất tốt để cô sớm hoàn thành ước nguyện đó, giả sử không có sự xuất hiện của Bảo Thoa cùng với sự trợ giúp của Phượng Ớt, thì việc cô sớm lìa trần khó mà xảy ra. Ái tình thực sự gây đau thương cho chúng ta, phần vì người ta cảm thấy thiếu thốn, không được bù đắp thứ tình cảm mình đã bỏ ra để dâng hiến cho người kia. Vì luôn thiếu thốn cho nên luôn muốn được đủ đầy, được gia tăng tình cảm. Nhưng tình cảm con người sao có thể đem ra cân đong đo đếm, càng đong càng vơi, càng đầy lại muốn được đầy thêm. Thế nên, Phật bảo ái dục là thứ nguy hiểm nhất, tiêu diệt mọi con đường đến với Thành Rome J.

Cuộc đời Lâm Đại Ngọc cứ thế đi từ giọt nước mắt này đến giọt nước mắt khác, cả đời cô là bể nước mắt. Xét trên khía cạnh tâm lý con người, sở dĩ cô ấy có cuộc sống như vậy, là bởi vì cô ấy muốn thế. Cô đến với đời, yêu người không phải để hưởng thụ cuộc sống, chia sẻ và phát triển bản thân, đơn giản, cô ấy trong lúc thành tiên, lòng vẫn chưa dời bỏ được ân huệ của hòn đá với mình, quyết đầu thai để đền ơn, đền ơn xong rồi muốn làm tiên gì thì làm, coi như yên tâm để làm tiên. Thật rõ là gieo nhân gì thì gặt quả nấy hay sao? Cũng may, cô biết rõ thế, cô quy hoạch đời cô rõ thế, để khi chết đi cô lại về làm tiên, còn như người đời chúng tôi, gieo nhân xong chẳng biết mình sẽ đi về đâu, xuống đây để làm gì, sống mãi sống mãi mới tỉnh ra một tí, có một tí ấy thôi mà cứ chìm đắm, lăn lộn mãi trong cõi này. Giờ còn chưa biết mình sẽ ra sao nữa đây!


Thế thôi, đọc để biết rằng, cuộc đời ta, có khi đã được thiết kế trước khi ta sinh ra, nhưng mà ta không biết gì về sự thiết kế ấy, đôi khi có những chuyện xảy ra, ta chẳng biết vì sao, cứ mạnh dạn đổ tại số phận, tại duyên số. Ờ thì tại duyên số, thì cái gì ta không rõ ta cứ mang ra mà đổ tội, có thế thôi!