Apr 10, 2016

SIDDHARTHA (Tiểu thuyết của Hermann Hesse, nobel văn chương 1946)

Siddhartha là tên của một chàng trai trẻ, sinh ra và lớn lên với đầy đủ phẩm chất của một người đàn ông tuấn tú, thông minh, học thức và giàu có. Nhưng lý tưởng sống lại khác với những mong ước mà người cha và những người Bà la môn khác đang làm. Cậu quyết định cùng người bạn của mình là Govinda bước ra khỏi cuộc sống của giai cấp Ba la môn giàu có, đi tầm sư học đạo những người thầy nổi tiếng khắp nơi, hòng mong muốn đạt được giác ngộ trong đời, hiện thực hoá lý tưởng sống của mình. 

Cậu ấy đã đi qua nhiều miền, học qua nhiều thầy, nhưng trong sâu thẳm, cậu vẫn chưa nhận được những gì cậu mong muốn. Sau trạng thái thiền định sâu, cậu lại quay trở lại nhận thức của người thường, cũng trầm mình trong các nỗi khổ của nhân gian như bao người khác. Như vậy, thiền định vẫn không giúp cậu hạnh phúc, không giúp cậu bình an. Và cậu tiếp tục tìm kiếm. 

Cho đến một ngày, cậu đã nghe đến giáo pháp của Gautama. Cũng như hàng nghìn người cầu đạo khác, tìm đến với Phật. Nghe Phật thuyết pháp. Cậu nhìn thấy, cảm thấy được sự bình an, sự hạnh phúc và tịnh tâm của Phật, nhưng cậu vẫn thấy một khoảng trống, một sự chưa triệt để, cái đó quá vi diệu, đến mức cậu muốn gặp Phật để nói rõ. Cuộc trao đổi của cậu với Phật đã diễn ra, cậu cảm thấy - dĩ nhiên, là cậu thật thông minh và hiểu biết. Nhưng Phật nói, chính cái thông minh đó, sự quá khôn ngoan đó, lại là cái cậu cần phải tránh xa: "Nhưng khuyên anh, hỡi kẻ khát khao hiểu biết, hãy tránh xa rừng quan niệm và sự tranh cãi về từ ngữ. Quan niệm chẳng có nghĩa lý gì, chúng có thể đẹp hay xấu, khôn hay dại, ai cũng có thể theo hay gạt bỏ. Nhưng giáo lý của ta, mà anh đã nghe không phải là quan niệm và mục đích của nó không phải là giải thích thế giới cho kẻ khát khao hiểu biết. Mục đích của nó khác hẳn, mục đích của nó là giải thoát khỏi khổ đau. Đó chính là điều Cồ Đàm này dạy, chứ không phải là gì khác". 

Cậu đi, với quyết tâm tự giác ngộ, tự mình thoát ra khỏi đại ngã của mình, đại ngã mà cậu tin rằng nó nằm lẩn khuất đâu đó trong giáo pháp, trong tăng đoàn và có thể là trong chính sự bình an, tĩnh lặng mà thông qua Cồ Đàm những người khác có thể lĩnh nhận được. Siddhartha tin rằng, chỉ có thể tự mình mới có thể tự giác bản thân. Và cậu rời đi, tự đi con đường của mình từ khi đó. 

Trên hành trình, cậu đã qua sông, nơi con sông ấy, cậu gặp người lái đò. Và cậu học được bài học đầu tiên "Rồi mọi thứ sẽ trở lại". Cậu rời con sông, chia tay người lái đò, vào thành phố. 

Ngoài bìa rừng, có khu vườn xoài của nàng Kamala, một kỹ nữ nổi tiếng xinh đẹp. Siddhartha đến bên cổng nhà nàng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nàng với lòng hâm mộ và mong muốn được cùng nàng ta hưởng thụ nghê thuật yêu đương. Nàng - bằng con mắt tinh đời, đã nhìn ra được vẻ đẹp hút hồn ẩn dưới dáng vẻ của một người tu sỹ bẩn thỉu, rách rưới với mái tóc và những móng tay dài cáu bẩn. Nàng hứa gặp cậu và yêu cầu cậu phải trở thành người đàn ông giàu có, nổi tiếng và được tôn trọng. Nghe lời nàng, cậu đã theo sự giới thiệu của Kamala và trở thành người hợp tác thân tín với một nhà buôn bán giàu có bậc nhất thành phố. Nhờ năng lực của mình, Siddhartha đã trở thành người giàu có. Anh thờ ơ với tiền bạc, say đắm yêu đương với Kamala, học hỏi từ nàng nghệ thuật yêu đương luyến ái. Dần dần, anh tham đắm sâu hơn vào những lạc thú trần gian. Cho đến một ngày, anh nhận thấy mình già nua, cáu bẳn và tự ghê tởm mình. Anh bỏ đi, trở lại bên dòng sông năm xưa. 

Ở bên dòng sông ấy, anh muốn kết thúc cuộc đời, nhưng sự thức tỉnh khi đọc chữ Om đã khiến anh bình tĩnh. Anh gặp lại Govinda - người bạn thân thiết đã chia tay anh sau khi nghe Đức Cồ Đàm giảng pháp, người đã nhập vào tăng đoàn của Đức Phật. Cậu ấy giờ đã khác xưa rất nhiều, nhưng vẫn đang trên con đường thức tỉnh đạt giác ngộ. Siddhartha chia tay Govinda, liền sau đó gặp lại người lái đò, anh ở lại chung sống bên người lái đò, với những triết lý về "Lắng nghe dòng sông". Sau đó, Siddhartha gặp lại đứa con và Kamala, người đã mang thai đứa con của cậu, sau khi cậu bỏ đi. Kamala chết do bị rắn độc cắn khi nằm ngủ bên sông. Từ đó Siddhartha sống và nuôi cậu bé, nhưng đứa bé không chấp nhận cậu, nó đã bỏ đi, bỏ lại một Siddhartha với sự đau đớn trong tim. Sự đau khổ đến từ tình yêu. Tình yêu ấy đã đưa Siddhartha đạt đến giác ngộ. Lạ kỳ thay, chẳng phải tình yêu mê đắm với Kamala, chẳng phải tình yêu đối với cha mẹ, mà là tình cha con đã giác ngộ cậu ấy. Siddhartha nếm trải cảm giác lo lắng, bồn chồn, sự hy sinh hết mình cho đứa con mà không hằng mong sự đền đáp. Từ tình yêu đó, anh đã tổn thương, đã trải nghiệm cảm giác đau khổ mà trước giờ anh chưa nếm trải. Cũng từ tình yêu ấy, anh học cách lắng nghe, học cách thấu hiểu từ dòng sông. Lắng nghe tât cả, thấu hiểu tất cả, chấp nhận tất cả để vượt qua chính mình, thấu hiểu chính mình. 

Cả câu chuyện là  một hành trình dài về cuộc đời Siddhartha, ẩn chứa những triết lý sâu xa về cuộc sống, về sự tự suy tư, tự trải nghiệm và tự chứng ngộ. Ở đây, Siddhartha biểu trưng cho sự tin tưởng vào chính bản thân mình, những lựa chọn trong cuộc đời, suy cho cùng cũng chỉ là những bài học cần phải có trong đời. Thông thường, nghiệp lực sẽ dẫn dắt bạn đi trên con đường đời, những gì bạn cần phải học là do trong bản thân bạn còn đang thiếu, nó sẽ tiếp nối những mong muốn của bạn để bạn có thể lĩnh hội đủ, khi đủ rồi, hoa sẽ nở, kết trái và lại đơm bông. Bài học của Siddhartha là bài học tình yêu đối với người con. Chính đứa con là chiếc chìa khoá mở ra kho báu tỉnh thức của cậu. 

Thông qua câu chuyện của Siddhartha, thực sự mới thấy mọi sự trên đời này xuất hiện trước ta, chạm vào ta, tác động lên ta, hẳn đều có lý do của nó. Tiếp nhận và quan sát nó, chấp nhận và coi nó là phương tiện để học tập, để phát triển bản thân, để tỉnh thức, để sống trọn vẹn, chính là sứ mệnh của chúng ta. 

Vậy thì ai đó đang đau khổ ơi!
Ai đó đang hạnh phúc ơi!
Ai đó đang tuyệt vọng ơi!
Ai đó, tất cả ai đó ơi!
Cho dù bạn là ai, bạn đang sống thế nào, đều là duyên phận của bạn, đều là thứ mà bạn đã tạo ra trước đây để giờ bạn tiếp tục học tập và sống trọn vẹn với hiện tại của bạn. Tương lai là thứ đang chưa tới, quá khứ là thứ đã qua đi, chỉ có hiện tại là tất cả. Quá khứ không thể chạm tới được, nhưng tương lai bạn có thể tạo ra, vậy hãy sống trong hiện tại, tận hưởng hiện tại, nhận biết hiện tại, sống tốt cho hiện tại, con đường tương lai sẽ dẫn dắt bạn đến bến bờ hạnh phúc, bình an. Nhưng thứ gì cũng cần có thời gian, cần đủ lượng rồi mới tạo đủ chất, nếu bạn muốn tương lai sống tốt đẹp, thức tỉnh trọn vẹn, thì bây giờ bạn hãy chuẩn bị cho tương lai ấy những gì tốt đẹp nhất. 

Siddhartha cũng vậy, anh tự tin và sẵn sàng rời bỏ giáo điều, rời bỏ quan niệm, đi vào đời sống. Nhưng mạch nguồn cốt lõi của anh vẫn hướng tới lý tưởng giác ngộ, và những gì chảy trong mạch nguồn ấy, đều được nâng đỡ, nuôi dưỡng bởi đời sống, khi anh đã trải nghiệm đủ, là lúc anh giác ngộ hoàn toàn. Anh giác ngộ theo con đường của anh, không câu nệ, chấp niệm vào quan điểm đương thời, nhất định phải theo Phật. Liệu rằng giữa anh và Phật có sự khác nhau nào? có sự giống nhau nào? Chẳng phải anh đã nói: mỗi người có một con đường, đường ai nấy đi, chỉ cần có niềm tin và sự mong muốn giác ngộ, sẵn sàng chấp nhận mọi thứ trên đường đời để đến giác ngộ, đều có thể giác ngộ, mà không chỉ là Phật thôi sao. 

Nhắc đến vai trò của Dòng Sông.
Vai trò của Người Lái đò trên sông.
Đến đứa con.
Đến Đức Cồ Đàm.
Đến người cha.
Đến Kamala.
Đến Govinda.
Đến người lái buôn.


Tất cả họ đều là chất liệu để tạo nên con người thức tỉnh của Siddhartha, về vai trò đều giống nhau, không thể phân biệt ai hơn ai kém trong việc đóng góp vào sự thức tỉnh của Siddhartha, nhưng mà, chỉ là họ đến tuần tự theo thời gian, theo thứ tự rất cụ thể để khiến cho Siddhartha thức tỉnh mà thôi. 
Ngợi ca sự thức tỉnh của Siddhartha, chính là ngợi ca họ. Là phần không thể tách rời của Siddhartha. Cũng vậy, mỗi người xung quanh ta, mỗi vật xung quanh ta, gắn kết với ta, làm phương tiện cho ta chính là một phần giúp ta học tập và phát triển trong cuộc đời này. Ca ngợi ta, chính là ca ngợi từng khoảng khắc ấy, sự vật ấy. Cái ta đã hoà vào cái toàn thể, trong đó ta là toàn thể, toàn thể là ta. Khi ấy, làm gì còn ta, cũng chẳng còn toàn thể. Tất cả là MỘT, đồng nhất và vô tận. Sự thật tối thượng đã hiện hữu rồi đó. 


Đọc Siddhartha thấy bản thân mình nằm trong đó. 
Đọc Siddhartha thấy sự thực nằm trong mình, sự thực thực ra chỉ là biết lắng nghe và thấu hiểu tận cùng mà thôi. Học được nghệ thuật lắng nghe, sẽ có được sự thấu hiểu, thấu hiểu rồi tự nhiên thức tỉnh, thức tỉnh rồi tự nhiên mọi sự đều thuộc về hư vô mà thôi! Nên nói chung, có khi không cần đọc gì đâu, đọc nhiều sẽ sa đà vào quan niệm, mà quan niệm thì không bao giờ giúp ta tự do để thức tỉnh. Nên thôi, đừng đọc! Nhưng có một câu nói của Siddhartha, hãy đọc và chứng nghiệm:

"Tự mình chứng nghiệm mọi sự là một điều hay, chàng nghĩ. Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã học rằng những lạc thú và của cải thế tục không hay ho gì. Tôi đã biết điều này từ rất lâu, nhưng tôi chỉ mới chứng nghiệm nó vừa rồi. Bây giờ tôi biết những điều ấy không phải chỉ bằng tri thức, mà bằng mắt tôi, bằng tim tôi và bằng bao tử tôi".





Feb 29, 2016

TỚ HỌC VẼ GRAPHIC

Giờ học xong rồi, ngồi nhớ lại, thấy bồi hồi ghê. Lúc ấy như nào nhỉ? Đang ngồi lướt facebook thì thấy hiện ra thông tin khoá học, ngay lập tức reo lên: "A, cái mình cần đây rồi, tìm mãi cũng thấy, mong mãi cũng có!". Rồi không cần suy nghĩ thêm nhiều, mình theo đường link vào đăng ký đi học luôn. Đăng ký xong còn lo là không còn chỗ cho mình nữa chứ, vì nội dung khoá học hấp dẫn thế kia cơ mà. Nhưng may mắn thay, mình được "ưu tiên" vì là học viên của Life School nên được "giữ chỗ". Nghe buồn cười không? nhưng mình nói thật đó. Kể cũng hơi buồn cười nhỉ? :)

Ngày đầu tiên đến lớp, lớp không đông như mình tưởng. Mình tưởng là ai cũng cần thứ này giống mình, ai cũng mong muốn học được phương pháp tư duy và sử dụng hình ảnh để trình bày vấn đề thay vì slide ppt, hay là kiểu viết bảng, ghi chép truyền thống... Hơi ngỡ ngàng một tí, nhưng mà ngay sau khi gặp thầy giáo và cùng các bạn học viên tham gia màn "check in" mình đã hiểu ra: hoá ra thầy lần đầu sang Việt Nam, và đây cũng là khoá học về Graphic Facilitation (Điều phối bằng hình vẽ) lần đầu tiên được thầy giảng dạy tại Việt Nam. Vinh dự quá khi là học viên khoá đầu, thấy mình cũng có tí "thức thời", theo kịp thông tin cùng các bạn, thấy mình trẻ hẳn ra cơ nhá! ha ha. 

Lớp mình học các bạn ấy thân thiện lắm, thầy giáo thì vừa hiền lành, vừa dễ thương, ngọt ngào, quan tâm tới học viên cứ như đã quen biết từ lâu lắm rồi. Thế cho nên, không khí lớp học đã nhanh chóng trở lên ấm áp, sôi động. Mỗi thành viên trước khi đến đây đều cảm thấy sợ vẽ, các bạn ấy cũng như mình, rất lo lắng không biết rồi mình sẽ học hành thế nào đây? Có bạn đến học vì mong muốn cải thiện khả năng trình bày trước đám đông, có bạn lại mong muốn có thể dùng hình ảnh để cùng vui chơi với con, cùng học với con, có bạn lại đến học để giải đáp thắc mắc vì sao bố mình, em trai mình rất có năng khiếu môn vẽ, còn mình lại không, có bạn đơn giản chỉ muốn khám phá bản thân, thả lỏng bản thân để có thể vượt qua được chính mình. Mình cũng thế, sau khi nghe các bạn chia sẻ, mình thấy hình ảnh của chính mình trong từng chia sẻ ấy, và mình nhận ra rằng hoá ra ai cũng đều có những lý do riêng của mình. 

Những nét vẽ ngây ngô trong phần giới thiệu bản thân: 









Tuy nhiên, đến khi thầy giáo bắt đầu đưa mọi người đến khám phá từng phần môn học, mọi thứ đã được mở ra, thật thú vị mà lại gần gũi. Những hình vẽ đầu tiên được thể hiện trên từng trang giấy, những chiếc bút dạ màu được bày ra, các ý tưởng được kết nối và thể hiện qua từng bước vẽ. Vẽ xong, mình cũng phải thốt lên ngạc nhiên là tại sao mình lại có thể làm được việc này, tại sao nó đơn giản đến vậy mà mình luôn không biết tới nó, thực hành nó và biến nó thành của mình? 








Bạn sẽ làm được tất cả những điều đó, cho dù bạn chưa bao giờ vẽ, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ cầm bút vẽ, hay thậm chí chưa bao giờ nghĩ mình sẽ vẽ. Đó hoàn toàn là do mình tự giới hạn bản thân thôi. Đến gặp Narayan hay bất cứ người bạn nào đã từng học Graphic Facilitation tại lớp của mình, các bạn ấy sẽ chỉ cho bạn cách mà bạn có thể vẽ và sử dụng hình ảnh để chia sẻ về mơ ước, về dự án bạn đang ấp ủ, về môn học, về ghi chú khi họp hành, về sở thích hay thậm chí dùng những hình ảnh đó để "tán tỉnh", "cưa đổ" một ai đó cũng được. Mình cá là nếu ai đó nhận được "lời tỏ tình dễ thương" qua chính những hình bạn vẽ như vậy, hẳn sẽ động lòng lắm lắm! :)




Học xong, giờ mình đã tự tin cầm bút vẽ rồi đấy. Dù rằng bản vẽ của mình trông rất "ngây ngô" nhưng mà đã hơn đứt lúc chưa học rồi. Mình hứa sẽ cố gắng chăm chỉ luyện tập để có thể có những bức vẽ hoàn thiện hơn, có thể thể hiện được tốt ý tưởng của mình trên từng trang giấy. Thay vì ngồi làm thật nhiều slide, mình sẽ ngồi vẽ, bởi vì lúc vẽ mình có cảm giác khác lắm, kiểu như mình là siêu nhân ý, biết vẽ rồi cơ! Ngạc nhiên chưa? :))) 

Và đây là thành quả của các nhóm: 

Bạn Sơn với ý tưởng lập dự án Giao tiếp Phi bạo lực với không gian tràn ngập âm nhạc. 


Bạn Trà lấy ý tưởng từ cuốn truyện Totto Chan - cô bé ngồi bên cửa sổ để gửi đến một bức vẽ về Ngôi trường mơ ước. 



Và bạn Chuông Gió thì đang hớn hở chụp ảnh cùng với Thầy giáo Narayan đẹp trai. 


Và cuối cùng là chụp ảnh chung với cả nhóm. 


Khoá học đã kết thúc rồi mà cảm giác lâng lâng vẫn cứ tràn ngập mãi chưa thôi. Lần đầu tiên mình viết cảm nhận về khoá học mà viết xong rồi vẫn cứ ngỡ như đang ngồi học đấy! Căn bản là do thích quá mà! :)) 

Feb 28, 2016

ĐƠN GIẢN HOÁ CUỘC SỐNG /How to Simplify your life

Bí quyết đơn giản hoá cuộc sống - Tác giả: Werner Tiki Kustenmacher và Lothar J.Seiwert. 

#1 CON ĐƯỜNG ĐƠN GIẢN HOÁ

Để bắt đầu đi vào việc Đơn giản hoá này, trước tiên bạn hãy tự trả lời câu hỏi: "Vì sao tôi muốn đơn giản hoá cuộc sống? đơn giản hoá có ý nghĩa gì đối với tôi?". 

"Sự đơn giản hoá trái ngược với đòi hỏi, nó mang tính tích cực và là một khả năng mà bạn đã có từ lâu. Bản chất con người là một thực thể đơn giản". "Dạng thức cơ bản nhất của sự đơn giản chính là chỉ đơn thuần tồn tai mà thôi". 

Với vài trích dẫn ở đầu chương 1, mình đã thấy quá cần thiết, quá hợp lý, quá phù hợp với bản thân mình. Giờ ăn không nhiều, ngủ đủ, làm việc bình thường, chơi là chính (cuộc sống hoang dã thì đa số các loài thú đều vờn nhau là chính, lang thang ngắm sông núi nước non thôi chứ giờ rình mồi chắc chỉ chiếm vừa phải. Nghe câu "Dạng thức cơ bản nhất của sự đơn giản chính là chỉ đơn thuần tồn tại mà thôi" trí lý quá trời. Mình cũng chỉ mong mình đơn thuần là tồn tại, tồn tại một cách tự nhiên, không vướng bận và cũng không mắc bệnh tâm thần để ra ngoài ị bậy, tè bậy và chửi bậy là được :))). Nếu mà làm thế thì lại phá vỡ sự tồn tại một cách đơn thuần của người khác, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người thân, bạn bè, quả thực lại không phù hợp với một lối sống đơn giản rồi. 

Moi người sẽ rất ngạc nhiên, khi nhận ra rằng: hoá ra con người ta tìm mọi cách, nghiên cứu đủ thứ trên đời chỉ là để có cảm giác được giải phóng sức lao động, có sự thảnh thơi để nghỉ ngơi. Nào là máy móc, công nghệ, máy bay, tàu hoả, nồi cơm... Nhưng hoá ra, khi chất nó vào nhà, thì ngay lập tức biến ngôi nhà trở thành một nhà kho chứa đầy vũ khí nguy hiểm, có những thứ rất gây tổn hại đến sức khoẻ như các thiết bị điện tử từ tivi, lò vi sóng, bếp từ đến máy xay hoa quả... Thế vậy mà khoa học cứ nghiễm nhiên được mọi người đón nhận, thậm chí tôn sùng những trang thiết bị điện tử, cứ tưởng là mình được giải phóng sức lao động, ai ngờ mình lao ra ngoài kiếm tiền hùng hục, rồi lại đốt tiền vào lò vi sóng, điện thoại, bếp từ, tủ lạnh, tivi... Chính là mỡ mình rán chính mình, có phải không? Thế có phải là "Khát vọng về sự đơn giản đã bị biến thành một quá trình gia tăng sự phức tạp" hay không? 

Con đường đơn giản hoá cuộc sống được đặt trên chính nền tảng của sự phức tạp mà chúng ta đang trải qua. Nó sử dụng chính những kinh nghiệm và những lỗi lầm mà mình đã mắc phải. 

Đơn giản hoá là một quá trình bạn cần được thích ứng từ bên trong hướng ra bên ngoài. Nội tâm của bạn phải được trang bị và các hành động bên ngoài phải phù hợp với những gì nội tâm mong muốn bạn thực hiện. Như vậy, tiến trình đơn giản hoá sẽ đồng hành cùng bạn bắt đầu từ chiếc bàn làm việc, từ việc tổ chức thời gian, không gian sống, tới các mối quan hệ cá nhân. Khi tất cả các hành động được đồng nhất cùng suy nghĩ, cơ thể bạn sẽ thích ứng dần với nó về cả mặt thể chất lẫn tinh thần, từ cảm xúc đến lý trí. 

Trong cuốn sách, tác giả sắp xếp mô hình sống theo KIM TỰ THÁP 7 TẦNG. Ở mỗi tầng là một kho tàng đang chờ bạn tới sắp xếp lại, đơn giản hoá nó và hoà hợp với nó. 

Tầng 1: Các vật dụng
Tầng 2: Tình hình tài chính
Tầng 3: Thời gian
Tầng 4: Sức khoẻ
Tầng 5: Các mối quan hệ
Tầng 6: Đời sống lứa đôi
Tầng 7: Bản thân bạn

Với mỗi chương, sẽ tương ứng với một đêm ngủ và mơ, cách viết của tác giả rất lôi cuốn, khiến người ta có thể có những trải nghiệm hết sức thú vị và có hứng thú mong muốn được thực hiện việc đơn giản hoá cuộc sống ngay và luôn. Nhưng đâu có dễ thế, để thực hiện điều này, đòi hỏi khá nhiều sự tích cực và động lực, nó là bỏ đi những thói quen gây mất thời gian và lãng phí nguồn lực của mình rất nhiều. Bỏ đi một thói quen, thực sự đâu có dễ dàng gì! 

/Hết phần 1/ 

Jan 31, 2016

BỊ BỎ RƠI và CÔ GÁI ĐAN MẠCH



Hôm trước đoàn thể rủ đi Y Tý, đã bảo là đợi mà đoàn thể không đợi bỏ mình ở lại bơ vơ trong mưa. Đã thế chụp ảnh lại còn cứ tag mình vào, thấy bực với đoàn thể ghê.
Bực nên bỏ đi xem phim. Xem Cô gái Đan Mạch.
Phim này ở bối cảnh năm 1933, trong phim thấy cái gì cũng cũ cũ, buồn buồn. Phim nói về các nghệ sỹ nên nói chung là đẹp. Nhất là lại nói về giới tính nữ, nên cảnh quay cũng nhẹ nhàng với cả điệu đà. Mình không đạt được cảm giác háo hức và mong chờ như khi xem trail. Chỉ là thấy, để biết được chính mình đôi khi nhờ những hoàn cảnh bất ngờ. Để được là chính mình, đôi người phải trả bằng sự sống. Hành trình khám phá chính mình cũng giống như Galile bảo trái trái đất hình tròn, như Edison phát minh ra bóng điện, như ông gì phát hiện ra chất i-ot, như Triều Tiên thử bom nhiệt hạch, như vân vân và vân vân... Nói chung, hầu như sẽ tất cả quay lưng lại với bạn và có người thậm chí lừa bạn ngồi im, rồi họ đi gọi đồng đội của họ đến, trói bạn và quẳng bạn vào bệnh viện tâm thần. Hãy kịp chạy trốn và thực hiện ước mơ của mình. Và rồi bạn sẽ chết, nhưng mà bạn lại chính là người được lịch sử nhắc đến khi là người đầu tiên dám thử nghiệm điều không ai trước đó dám làm. Trong phim này, mình phục nhất là ông bác sỹ phẫu thuật cho Lili. Ông ý (chuẩn men) mà lại dùng cả đời để nghiên cứu và giúp cho những người như Lili có được giới tính thực sự. Vì người khác mà làm những việc mình chỉ nghĩ là nó tốt cho họ, với mình đó là những phẩm chất vô cùng đáng quý. Người thứ hai là chị Gerba. Một phiên bản phụ nữ tài năng, xinh đẹp và nhân hậu. Được như chị ấy, quả thực thật hiếm có. Thế thôi, mình cũng không thích thêm gì nữa, có chăng là thay vì đi Y Tý, xem xong phim lại muốn phượt thẳng đến Đan Mạch một chuyến, cảnh đẹp quá là quá luôn! :)))