Apr 10, 2016

SIDDHARTHA (Tiểu thuyết của Hermann Hesse, nobel văn chương 1946)

Siddhartha là tên của một chàng trai trẻ, sinh ra và lớn lên với đầy đủ phẩm chất của một người đàn ông tuấn tú, thông minh, học thức và giàu có. Nhưng lý tưởng sống lại khác với những mong ước mà người cha và những người Bà la môn khác đang làm. Cậu quyết định cùng người bạn của mình là Govinda bước ra khỏi cuộc sống của giai cấp Ba la môn giàu có, đi tầm sư học đạo những người thầy nổi tiếng khắp nơi, hòng mong muốn đạt được giác ngộ trong đời, hiện thực hoá lý tưởng sống của mình. 

Cậu ấy đã đi qua nhiều miền, học qua nhiều thầy, nhưng trong sâu thẳm, cậu vẫn chưa nhận được những gì cậu mong muốn. Sau trạng thái thiền định sâu, cậu lại quay trở lại nhận thức của người thường, cũng trầm mình trong các nỗi khổ của nhân gian như bao người khác. Như vậy, thiền định vẫn không giúp cậu hạnh phúc, không giúp cậu bình an. Và cậu tiếp tục tìm kiếm. 

Cho đến một ngày, cậu đã nghe đến giáo pháp của Gautama. Cũng như hàng nghìn người cầu đạo khác, tìm đến với Phật. Nghe Phật thuyết pháp. Cậu nhìn thấy, cảm thấy được sự bình an, sự hạnh phúc và tịnh tâm của Phật, nhưng cậu vẫn thấy một khoảng trống, một sự chưa triệt để, cái đó quá vi diệu, đến mức cậu muốn gặp Phật để nói rõ. Cuộc trao đổi của cậu với Phật đã diễn ra, cậu cảm thấy - dĩ nhiên, là cậu thật thông minh và hiểu biết. Nhưng Phật nói, chính cái thông minh đó, sự quá khôn ngoan đó, lại là cái cậu cần phải tránh xa: "Nhưng khuyên anh, hỡi kẻ khát khao hiểu biết, hãy tránh xa rừng quan niệm và sự tranh cãi về từ ngữ. Quan niệm chẳng có nghĩa lý gì, chúng có thể đẹp hay xấu, khôn hay dại, ai cũng có thể theo hay gạt bỏ. Nhưng giáo lý của ta, mà anh đã nghe không phải là quan niệm và mục đích của nó không phải là giải thích thế giới cho kẻ khát khao hiểu biết. Mục đích của nó khác hẳn, mục đích của nó là giải thoát khỏi khổ đau. Đó chính là điều Cồ Đàm này dạy, chứ không phải là gì khác". 

Cậu đi, với quyết tâm tự giác ngộ, tự mình thoát ra khỏi đại ngã của mình, đại ngã mà cậu tin rằng nó nằm lẩn khuất đâu đó trong giáo pháp, trong tăng đoàn và có thể là trong chính sự bình an, tĩnh lặng mà thông qua Cồ Đàm những người khác có thể lĩnh nhận được. Siddhartha tin rằng, chỉ có thể tự mình mới có thể tự giác bản thân. Và cậu rời đi, tự đi con đường của mình từ khi đó. 

Trên hành trình, cậu đã qua sông, nơi con sông ấy, cậu gặp người lái đò. Và cậu học được bài học đầu tiên "Rồi mọi thứ sẽ trở lại". Cậu rời con sông, chia tay người lái đò, vào thành phố. 

Ngoài bìa rừng, có khu vườn xoài của nàng Kamala, một kỹ nữ nổi tiếng xinh đẹp. Siddhartha đến bên cổng nhà nàng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nàng với lòng hâm mộ và mong muốn được cùng nàng ta hưởng thụ nghê thuật yêu đương. Nàng - bằng con mắt tinh đời, đã nhìn ra được vẻ đẹp hút hồn ẩn dưới dáng vẻ của một người tu sỹ bẩn thỉu, rách rưới với mái tóc và những móng tay dài cáu bẩn. Nàng hứa gặp cậu và yêu cầu cậu phải trở thành người đàn ông giàu có, nổi tiếng và được tôn trọng. Nghe lời nàng, cậu đã theo sự giới thiệu của Kamala và trở thành người hợp tác thân tín với một nhà buôn bán giàu có bậc nhất thành phố. Nhờ năng lực của mình, Siddhartha đã trở thành người giàu có. Anh thờ ơ với tiền bạc, say đắm yêu đương với Kamala, học hỏi từ nàng nghệ thuật yêu đương luyến ái. Dần dần, anh tham đắm sâu hơn vào những lạc thú trần gian. Cho đến một ngày, anh nhận thấy mình già nua, cáu bẳn và tự ghê tởm mình. Anh bỏ đi, trở lại bên dòng sông năm xưa. 

Ở bên dòng sông ấy, anh muốn kết thúc cuộc đời, nhưng sự thức tỉnh khi đọc chữ Om đã khiến anh bình tĩnh. Anh gặp lại Govinda - người bạn thân thiết đã chia tay anh sau khi nghe Đức Cồ Đàm giảng pháp, người đã nhập vào tăng đoàn của Đức Phật. Cậu ấy giờ đã khác xưa rất nhiều, nhưng vẫn đang trên con đường thức tỉnh đạt giác ngộ. Siddhartha chia tay Govinda, liền sau đó gặp lại người lái đò, anh ở lại chung sống bên người lái đò, với những triết lý về "Lắng nghe dòng sông". Sau đó, Siddhartha gặp lại đứa con và Kamala, người đã mang thai đứa con của cậu, sau khi cậu bỏ đi. Kamala chết do bị rắn độc cắn khi nằm ngủ bên sông. Từ đó Siddhartha sống và nuôi cậu bé, nhưng đứa bé không chấp nhận cậu, nó đã bỏ đi, bỏ lại một Siddhartha với sự đau đớn trong tim. Sự đau khổ đến từ tình yêu. Tình yêu ấy đã đưa Siddhartha đạt đến giác ngộ. Lạ kỳ thay, chẳng phải tình yêu mê đắm với Kamala, chẳng phải tình yêu đối với cha mẹ, mà là tình cha con đã giác ngộ cậu ấy. Siddhartha nếm trải cảm giác lo lắng, bồn chồn, sự hy sinh hết mình cho đứa con mà không hằng mong sự đền đáp. Từ tình yêu đó, anh đã tổn thương, đã trải nghiệm cảm giác đau khổ mà trước giờ anh chưa nếm trải. Cũng từ tình yêu ấy, anh học cách lắng nghe, học cách thấu hiểu từ dòng sông. Lắng nghe tât cả, thấu hiểu tất cả, chấp nhận tất cả để vượt qua chính mình, thấu hiểu chính mình. 

Cả câu chuyện là  một hành trình dài về cuộc đời Siddhartha, ẩn chứa những triết lý sâu xa về cuộc sống, về sự tự suy tư, tự trải nghiệm và tự chứng ngộ. Ở đây, Siddhartha biểu trưng cho sự tin tưởng vào chính bản thân mình, những lựa chọn trong cuộc đời, suy cho cùng cũng chỉ là những bài học cần phải có trong đời. Thông thường, nghiệp lực sẽ dẫn dắt bạn đi trên con đường đời, những gì bạn cần phải học là do trong bản thân bạn còn đang thiếu, nó sẽ tiếp nối những mong muốn của bạn để bạn có thể lĩnh hội đủ, khi đủ rồi, hoa sẽ nở, kết trái và lại đơm bông. Bài học của Siddhartha là bài học tình yêu đối với người con. Chính đứa con là chiếc chìa khoá mở ra kho báu tỉnh thức của cậu. 

Thông qua câu chuyện của Siddhartha, thực sự mới thấy mọi sự trên đời này xuất hiện trước ta, chạm vào ta, tác động lên ta, hẳn đều có lý do của nó. Tiếp nhận và quan sát nó, chấp nhận và coi nó là phương tiện để học tập, để phát triển bản thân, để tỉnh thức, để sống trọn vẹn, chính là sứ mệnh của chúng ta. 

Vậy thì ai đó đang đau khổ ơi!
Ai đó đang hạnh phúc ơi!
Ai đó đang tuyệt vọng ơi!
Ai đó, tất cả ai đó ơi!
Cho dù bạn là ai, bạn đang sống thế nào, đều là duyên phận của bạn, đều là thứ mà bạn đã tạo ra trước đây để giờ bạn tiếp tục học tập và sống trọn vẹn với hiện tại của bạn. Tương lai là thứ đang chưa tới, quá khứ là thứ đã qua đi, chỉ có hiện tại là tất cả. Quá khứ không thể chạm tới được, nhưng tương lai bạn có thể tạo ra, vậy hãy sống trong hiện tại, tận hưởng hiện tại, nhận biết hiện tại, sống tốt cho hiện tại, con đường tương lai sẽ dẫn dắt bạn đến bến bờ hạnh phúc, bình an. Nhưng thứ gì cũng cần có thời gian, cần đủ lượng rồi mới tạo đủ chất, nếu bạn muốn tương lai sống tốt đẹp, thức tỉnh trọn vẹn, thì bây giờ bạn hãy chuẩn bị cho tương lai ấy những gì tốt đẹp nhất. 

Siddhartha cũng vậy, anh tự tin và sẵn sàng rời bỏ giáo điều, rời bỏ quan niệm, đi vào đời sống. Nhưng mạch nguồn cốt lõi của anh vẫn hướng tới lý tưởng giác ngộ, và những gì chảy trong mạch nguồn ấy, đều được nâng đỡ, nuôi dưỡng bởi đời sống, khi anh đã trải nghiệm đủ, là lúc anh giác ngộ hoàn toàn. Anh giác ngộ theo con đường của anh, không câu nệ, chấp niệm vào quan điểm đương thời, nhất định phải theo Phật. Liệu rằng giữa anh và Phật có sự khác nhau nào? có sự giống nhau nào? Chẳng phải anh đã nói: mỗi người có một con đường, đường ai nấy đi, chỉ cần có niềm tin và sự mong muốn giác ngộ, sẵn sàng chấp nhận mọi thứ trên đường đời để đến giác ngộ, đều có thể giác ngộ, mà không chỉ là Phật thôi sao. 

Nhắc đến vai trò của Dòng Sông.
Vai trò của Người Lái đò trên sông.
Đến đứa con.
Đến Đức Cồ Đàm.
Đến người cha.
Đến Kamala.
Đến Govinda.
Đến người lái buôn.


Tất cả họ đều là chất liệu để tạo nên con người thức tỉnh của Siddhartha, về vai trò đều giống nhau, không thể phân biệt ai hơn ai kém trong việc đóng góp vào sự thức tỉnh của Siddhartha, nhưng mà, chỉ là họ đến tuần tự theo thời gian, theo thứ tự rất cụ thể để khiến cho Siddhartha thức tỉnh mà thôi. 
Ngợi ca sự thức tỉnh của Siddhartha, chính là ngợi ca họ. Là phần không thể tách rời của Siddhartha. Cũng vậy, mỗi người xung quanh ta, mỗi vật xung quanh ta, gắn kết với ta, làm phương tiện cho ta chính là một phần giúp ta học tập và phát triển trong cuộc đời này. Ca ngợi ta, chính là ca ngợi từng khoảng khắc ấy, sự vật ấy. Cái ta đã hoà vào cái toàn thể, trong đó ta là toàn thể, toàn thể là ta. Khi ấy, làm gì còn ta, cũng chẳng còn toàn thể. Tất cả là MỘT, đồng nhất và vô tận. Sự thật tối thượng đã hiện hữu rồi đó. 


Đọc Siddhartha thấy bản thân mình nằm trong đó. 
Đọc Siddhartha thấy sự thực nằm trong mình, sự thực thực ra chỉ là biết lắng nghe và thấu hiểu tận cùng mà thôi. Học được nghệ thuật lắng nghe, sẽ có được sự thấu hiểu, thấu hiểu rồi tự nhiên thức tỉnh, thức tỉnh rồi tự nhiên mọi sự đều thuộc về hư vô mà thôi! Nên nói chung, có khi không cần đọc gì đâu, đọc nhiều sẽ sa đà vào quan niệm, mà quan niệm thì không bao giờ giúp ta tự do để thức tỉnh. Nên thôi, đừng đọc! Nhưng có một câu nói của Siddhartha, hãy đọc và chứng nghiệm:

"Tự mình chứng nghiệm mọi sự là một điều hay, chàng nghĩ. Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã học rằng những lạc thú và của cải thế tục không hay ho gì. Tôi đã biết điều này từ rất lâu, nhưng tôi chỉ mới chứng nghiệm nó vừa rồi. Bây giờ tôi biết những điều ấy không phải chỉ bằng tri thức, mà bằng mắt tôi, bằng tim tôi và bằng bao tử tôi".