Nov 6, 2014

CHUYỆN CÁI VÒI NƯỚC

Ba ngày trước, khi quyết định dọn dẹp lại cho đồ đạc được ngăn nắp, bỏ bớt những vật dụng không cần thiết đi, mình đã đem một vài chiếc rổ ra ngoài ban công treo trên giá. Thật không may là chiếc rổ inox đã rơi và va phải chiếc vòi nước cũ, khiến nó bị nứt ra, nước phun rất mạnh. Mình giật mình hoảng hốt, nước xối xả phun ướt hết người, ban công lênh láng, hoảng nhất là nước bắn cả lên ổ điện, mình lập tức chạy vào nhà dập cầu dao điện. Chạy ra ban công rút dây điện máy giặt, chạy vào nhà tắm tắt vòi nước tổng. Như vậy là các bước thực hiện trong các tình huống khẩn cấp liên quan tới điện nước, cháy nổ vẫn chưa thực hiện thành thục và đúng để phòng tránh nguy hiểm. Vậy là sự học không áp dụng được đúng và đầy đủ! Thế mà kinh nghiệm nhiều năm đào tạo và học các khóa về an toàn vẫn công cốc, thế mới biết, lý thuyết dù đúng nhưng sẽ vô ích nếu không thực hành. Nếu có xảy ra lần nữa, mình sẽ thực hiện các bước như sau:

1. Dập cầu dao toàn bộ hệ thống điện;
2. Chạy vào khóa ngay van nước tổng;
3. Rút nguồn điện máy giặt. 
4. Lấy giẻ buộc chỗ vòi nước bị vỡ để nước không bắn, chảy ồ ạt khi mình cần mở van nước tổng để lấy nước dùng. 
5. Nhà luôn luôn chuẩn bị sẵn một số dụng cụ cần thiết như băng dính keo, búa, tô vít, kìm, kéo và dây buộc đề phòng đồ đạc hỏng có thể tự sơ cứu nhỏ. 

Nhưng chuyện không chỉ có thế, chuyện sẽ kết thúc nếu có một anh thợ nào đó đến sửa chữa vòi nước. Trước đây, nói đến đồ điện, đến nước nôi... những thứ thuộc về đàn ông mình đều không làm, cứ mặc nhiên coi như là việc của họ, mình không để tâm bao giờ. 

Nhưng hình như là ông trời cố tình sắp xếp để mình không được nhờ ai vậy! Người đã nhờ được, thậm chí các anh còn rất hào hứng ra tay giúp đỡ, nhưng ngày nào mình cũng có việc về muộn, phải đến 10h đêm mới về đến nhà. Lúc đó làm gì có ai đến mà sửa cho mình chứ? Sau 2 ngày, mình quyết định tự sửa, với một tâm trạng phấn chấn lạ lùng! 

Khi tới phòng trực bảo vệ hỏi mượn kìm chết, các anh cười và không tin mình có thể làm được. Mình bảo, nếu không làm được thì em sẽ xuống nhờ các anh, có sao đâu, các anh cứ cho em mượn đi! Thế là có kìm chết để dùng thật, và cuối cùng thì sau một hồi loay hoay, mình cũng chữa xong cái vòi nước. Công phu ghê gớm!

Và thực sự, mình nghĩ rằng nếu thực sự bạn nghĩ bạn làm được, bạn hãy thử đi, bạn sẽ biết bạn sẽ làm được ở mức độ nào! Nên thử những thứ mình muốn làm, và cần phải làm, để tránh việc bạn phải phụ thuộc và chờ đợi ai đó giúp đỡ mình, khá mất thời gian của bạn, thậm chí là mất đi cả cơ hội để bạn khám phá ra khả năng của mình. Bài học này mình học được học ở lớp Quý Trọng Bản thân, từ câu chuyện về mẹ của chị Thùy vá săm xe đạp cho chị ấy. Trong khóa học này có nội dung phân loại 8 dạng thông minh cơ bản của con người, dù biết phương pháp này đã lâu, nhưng hôm đó học lại, mình thấy mình đã có sự chuyển biến khá tích cực sang các dạng khác. Nếu trước đây, mình thấy các khả năng sau nổi trội như: âm nhạc, nội tâm, ngôn ngữ, tự nhiên. Thì nay, mình đã hướng sang âm nhạc, nội tâm, ngôn ngữ, tự nhiên, không gian và vận động. Như vậy, kể từ khi "về hưu non", mình đã làm việc tay chân nhiều hơn rồi, vẽ vời nhiều hơn, lắp ghép, chế tác và sắp xếp sản phẩm nhiều hơn nên mấy phần này có vẻ tăng lên nhiều.

Thông minh thì thông minh chứ, kiểu gì cũng "không bằng tay quen"! :)

No comments:

Post a Comment